googlee5327712a49d4482.html Liễu : Blog Title the same as above

24/5/11

Bản chất của khổ đau - Làm sao để sống vui vẻ

(Minh Niệm) - Dù ta có tài năng đến đâu, dù ta có chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào thì những điều bất như ý vẫn cứ xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó.

Chỉ là bất như ý

Người ta vẫn thường hay nói nghèo là khổ, nghèo khổ, chứ ít ai nói giàu khổ cả. Thực ra người nghèo có nỗi khổ của người nghèo, mà người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu. Người nghèo vì không chấp nhận cái nghèo, oán ghét cái nghèo, muốn được giàu nên họ khổ. Người giàu sợ bấy nhiêu tài sản chưa đủ làm người khác nể phục, sợ bị phá sản, sợ người khác lợi dụng hay hãm hại mình nên khổ. So ra, cái khổ của người giàu còn phức tạp và nan giải hơn người nghèo. Phải chi trong xã hội ai cũng như ai, ai cũng sở hữu tài sản như nhau thì chắc ý niệm giàu nghèo sẽ không có. Cho nên, nếu ta thoát ra khỏi ý niệm giàu nghèo, không bị cuốn theo quan niệm của xã hội, ta thấy hưởng thụ vật chất không phải là lý do lớn nhất khiến ta có mặt ở trên đời này thì ta sẽ không bao giờ than khổ.

Cực cũng vậy, người ta vẫn thường gộp chung cực với khổ, cực khổ. Trong khi bản thân của sự cực nhọc chưa chắc đã là khổ. Chỉ vì ta bỏ thêm thái độ của mình vào, ta kháng cự lại nó, ta muốn mình không phải vất vả nhiều nhưng vẫn có đầy đủ mọi thứ như những người khác nên ta khổ. Ta chỉ so sánh, đòi hỏi, chứ không cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa tại sao ta lại cơ cực. Ta đã từng chứng kiến có những người chỉ cần người thân của họ qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, dù người ấy không thể tiếp tục lao động, thì họ vẫn vui lòng đem hết thân mạng của mình ra bao bọc. Có những người làm công tác cứu hộ, họ biết lao vào lửa dữ, chui xuống lòng đất hay đi ngang qua làn tên mũi đạn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì tình thương mà họ không hề xem đó là nỗi khổ. Dù nhiều người cho rằng cái cực tâm trí mới thật là khổ, phải suy tính đủ điều mới gánh vác nổi công việc, nhưng trong thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay mà còn có công việc để làm, để suy tính thì đã là hạnh phúc lắm rồi.

Và điều mà ta thường than thở với nhau nhiều nhất đó là đau khổ, hễ đau là phải khổ, như là một sự thật không thể thay đổi. Ai đó tát vào mặt ta một cái có thể làm ta đau, nhưng nếu ta có lỗi với người ấy và sẵn sàng đón nhận thì cái tát đó sẽ không làm ta khổ. Đằng này, bằng một thái độ khinh miệt, họ đã "tặng" cái tát để sỉ nhục ta trước mọi người thì ta khổ thật đấy. Làm ăn bị thất bát, tiền bạc mất trắng, ai mà chẳng đau vì đó là mồ hôi nước mắt mà ta đã chắt chiu dành dụm suốt bao năm trời. Nhưng từ cái đau ấy đến cái khổ vẫn còn một khoảng cách khá xa, nếu ta biết rõ nguyên nhân thất bại và hoàn toàn chấp nhận. Và có lẽ, cái đau thống thiết nhất của nhân sinh chính là sự chia lìa, nên thường được ví như khúc ruột cắt đứt làm đôi, "đoạn trường thương đau". Nhưng nếu ta ý thức được hợp tan là chuyện nhân duyên, biết đâu đó là cơ hội để hai người nhìn lại mà thay đổi chính mình để tạo ra cái duyên mới trong tương lai tốt đẹp hơn.

Cuộc sống luôn có những điều hợp với ý ta nhưng lại trái với sở thích của người khác, hoặc thỏa mãn nhu cầu của người khác nhưng lại ngược với lòng ta. Ngay cả chính bản thân ta cũng có lúc "sáng nắng chiều mưa" mà ta còn không hiểu nổi. Có những cái trước kia ta ghét cay ghét đắng nhưng bây giờ lại thích. Có những thứ trước kia ta hết sức say mê nhưng bây giờ lại chán ngán không muốn nhìn tới. Có những vấn đề trước kia ta vốn xem thường nhưng bây giờ lại cảm thấy rất hệ trọng. Giả sử mọi mong muốn của ta đều thành tựu hết thì thử hỏi ta sẽ trở thành cái gì và cuộc đời nay sẽ ra sao? Vậy mà ta cứ cố gắng đòi hỏi cho bằng được mà ít khi nào chịu suy xét cặn kẽ những mong muốn của mình có thật sự hợp lý không, tức là nó có cần thiết và phù hợp với khả năng của ta hay hoàn cảnh hiện tại của ta không, và nó có ảnh hưởng hay liên quan đến người khác hay không. Vì vậy, hầu hết những nỗi khổ mà ta thường kêu ca, thật ra chỉ là vì nó bất như ý với ta mà thôi. Rõ ràng cái khổ của ta không hẳn là cái khổ của kẻ khác. Cho nên thay vì than van "khổ quá" thì ta hãy nên nói "nó không như ý tôi" mới đúng. Cách gọi này sẽ đánh động vào ý thức để giúp ta nhìn lại thói quen phản ứng của mình thay vì rượt đuổi theo đối tượng khác. Từ đó ta sẽ hiểu quan niệm "đời là bể khổ" chỉ là do cách nghĩ, hay chỉ là định kiến.

Khổ đau mầu nhiệm

Ta đừng bao giờ quên rằng ta không phải là một cá thể tồn tại độc lập, mà ta phải luôn chịu sự tương tác của bao nguồn lực chung quanh, từ bạn bè, gia đình đến xã hội và cả thế giới bao la nữa. Dù ta có tài năng đến đâu, dù ta có chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào, thì những điều bất như ý vẫn cứ xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó. Hễ có thành thì phải có bại, có hợp thì phải có tan. Tại sao ta chỉ muốn thành và hợp, còn bại và tan thì để cho ai? Lúc may mắn sao ta không tự hỏi xem mình có thật xứng đáng với thành quả này và có nên đón nhận nó hay không, mà khi gặp xui rủi thì ta lại than khóc ầm ĩ, đòi hỏi công bằng. Ta đã hưởng thụ quá nhiều tặng phẩm của vũ trụ rồi thì lâu lâu bị vũ trụ lấy lại chia cho kẻ khác, thiết tưởng đó cũng là đương nhiên chứ đâu có gì là thua thiệt.

Đối với những mất mát quá lớn, tất nhiên ta phải cần có thời gian mới chấp nhận và cân bằng được. Nhưng có những điều quá đỗi bình thường, nếu không nói là tầm thường, mà ta cũng than khổ thì đó là lỗi của ta. Trời mưa cũng khổ, kẹt xe cũng khổ, bị lỗi hẹn cũng khổ, thức ăn không vừa miệng cũng khổ, chiều cao không như ý cũng khổ, mau già cũng khổ, không ai hỏi thăm cũng khổ, được nhiều người thương cũng khổ... Tất cả chỉ là do lòng tham của ta quá lớn mà nội lực của ta lại quá yếu kém nên nó đã dìm ta xuống khổ đau đó thôi. Ta đừng đổ thừa hoàn cảnh. Không ai có thể làm ta khổ được nếu ta có một hiểu biết đúng đắn và một khả năng chấp nhận đủ lớn. Để có khả năng chấp nhận rộng lớn đó ta cần phải biết "thu gọn" những mong cầu không cần thiết của mình. Ngay cả với những điều chính đáng, nếu không có nó mà ta vẫn sống vững vàng và hạnh phúc được thì ta cũng nên cố gắng khước từ để tâm ta bớt lệ thuộc vào hoàn cảnh, để khi hoàn cảnh biến động thì ta vẫn bất động.

Ngoài ra, cũng nên luyện tập cho mình cách đối mặt với khó khăn, hoặc tự tạo cho mình một cách nghĩ, một cách sống đừng quá cầu mong sự an toàn, để sức chịu đựng trong ta mau chóng lớn mạnh. Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường bảo bọc quá đầy đủ, muốn gì được nấy nên khi bước vào đời không có chút vốn liếng kinh nghiệm nào để chống chọi với những khó khăn, nghịch cảnh, chỉ cần một tác động nhỏ xíu như bị chê bai là nó đã chao đảo và muốn bỏ cuộc ngay. Cũng như những loại cây mọc trên đất tơi xốp trông xanh tươi mơn mởn nhưng chỉ cần một cơn gió lớn đi qua đã gãy đổ; còn những loại cây mộc trên đá núi tuy dáng dấp khẳng khiu nhưng độ bám rất vững vàng, không gió bão nào xô ngã nổi. Cho nên ta không thể cầu nguyện cho cuộc đời đừng xô đẩy mình vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, nhưng ta có thể làm cho mình không bị ngã trước những sóng gió cuộc đời bằng một trái tim vững chãi.

Để có được trái tim vững chãi, ta phải bớt chạy theo những cái mình vốn ưa thích và cố gắng chấp nhận những thứ mình vốn không ưa thích. Thích hay không thích đều là sự thể hiện của cảm xúc phục vụ cái tôi trong nhất thời, chỉ cần điều chỉnh lại nhận thức thì dù cái cảm xúc ấy sẽ tan rã ngay. Ta đừng vội kêu ca sống mà không hưởng thụ thì sống để làm gì? Có ai cấm ta hưởng thụ đâu. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó cả, tư cứ dung dưỡng cho cái tôi yếu đuối đi rồi đừng hỏi tại sao mình cứ khổ hoài. Lẽ dĩ nhiên, một người đã có trái tim vững chãi thì bao nhiêu danh lợi cũng không là vấn đề, họ có đủ bản lĩnh để vượt lên danh lợi hay sử dụng danh lợi một cách hữu ích cho đời. Song, thực tế, số người có ý niệm muốn buông bỏ thói quen hưởng thu rất hiếm, con số người làm được lại càng hiếm hơn. Nhất là xã hội ngày nay, người ta dám đạp đổ cả thành trì đạo đức để tranh giành quyền lợi, bất chấp hậu quả xảy ra cho chính mình, con cháu mình hay người khác. Vì vậy mà con người sống ngày càng khổ hơn. Cũng vì lẽ đó mà khổ đau đã vô tình trở thành bản trường ca bất tận, và không ai mà không một lần hòa giọng ngâm nga nó.

Đúng, khổ đau là một thực tại không ai chối cãi, nhưng tính chất của nó vốn không cố định. Khổ đau không phải là bản chất mặc định của cuộc đời này. Thật ra không có gì là khổ đau cả, chỉ là guồng máy tâm thức trong ta vận hành sai lệch nên nó đã tạo ra những phản ứng chống đối lại những hoàn cảnh mà nó cho là trái nghịch. Rất may guồng máy tâm thức ấy là một hợp thể hành động nên có thể điều chỉnh được. Bắt đầu từ nhận thức đúng đắn trở lại những gì liên quan đến mình luôn tương quan với vạn vật để nó không tiếp tục tạo ra những phản ứng ích kỷ. Đồng thời, nó cần có một khả năng quan sát và phân tích thật tinh tường về những thói quen mà ta đã tạo dựng trong quá khứ đến nay. Tiến trình tháo gỡ những tâm lý tiêu cực ấy chính là tiến trình vượt thoát khổ đau. Càng bớt tự ái tổn thương là càng bớt khổ đau. Hết nghĩ cho cái tôi là hết khổ đau.

Suy cho cùng, ta cần phải biết ơn khổ đau. Bởi khổ đau vừa giúp ta ý thức được cái gì là hạnh phúc, vừa giúp khả năng chịu đựng trong ta lớn mạnh để ta có thể phát tiết hết bản năng sinh tồn tiềm ẩn của mình, cũng như hoa đào phải nhờ cái rét mùa đông mới tung cánh tỏa ngát hương khi nắng xuân về. Nếu không bị lạc đường ta sẽ khó biết mình sợ hãi, nếu không bị xúc phạm ta sẽ khó biết mình nóng giận, nếu không bị dối gạt ta sẽ khó biết mình dễ bị tổn thương, nếu không bị bỏ rơi, ta sẽ khó biết mình yếu đuối. Thông qua bản năng sinh tồn mà ta thấy rõ từng ngõ ngách sâu kín của phiền não tạo nên khổ đau. Từ đó ta biết cách điều chỉnh tâm thức và nếp sống của mình sao cho hài hòa với vũ trụ, để sự hiểu biết và tình thương trong ta bùng nổ, để ta có thể nắm tay nhau đi giữa thăng trầm của cuộc đời này một cách thong dong tự tại.

Vậy nên, tâm tư như thế nào ta sẽ cảm nhận khổ đau như thế ấy, vì khổ đau vốn từ tâm sinh ra mà cũng từ tâm diệt đi.

Nếu không có khổ đau
Biết đâu là hạnh phúc
Nhờ mộng mị hôm nào
Ta tìm về tỉnh thức

21/5/11

Buông xả

(Minh Niệm) - Càng buông xả thì ta càng thấy nhẹ nhõm và bình an hơn, hoàn toàn khác với thói quen càng tích góp thì càng lo lắng và mệt mỏi.

Tiện nghi vật chất

Một hôm, trong lúc Đức Phật đang ngồi tĩnh tọa trong rừng cùng với các vị thầy xuất gia, bỗng có một bác nông dân hối hả chạy tới hỏi dồn: "Các thầy tu ơi, các thầy thấy đàn bò mười hai con của tôi đi ngang qua đây không?". Đức Phật từ tốn đáp :"Chúng tôi ngồi đây từ trưa tới giờ nhưng không thấy con bò nào đi ngang qua cả. Đâu bác thử tìm phía bên kia xem". Bác nông dân thất vọng, vừa quay đi vừa dậm chân than khóc: "Trời ơi, mới thất bát mấy sào mè, bây giờ mà mất luôn cả đàn bò thì tiêu tan sự nghiệp. Làm sao tôi sống nổi đây!". Đơi bác nông dân đi khuất, Đức Phật nhìn sang các học trò rồi khẽ nói: "Chúng ta đâu có con bò nào để mất, phải không?".  

Đức Phật đang nhắc nhở các học trò là mình đang sống trong một điều kiện rất thuận lợi để phát triển tâm linh. Một môi trường không bị khuấy nhiễu bởi những thành, bại, được, mất, khen, chê thì hãy cố gắng trân quý, giữ gìn. Không thành công trong những điều kiện tâm linh như thế là một lỗi lớn, vì các vị xuất gia ấy luôn được sự hỗ trợ của bá tánh từ thực phẩm, thuốc men, y phục, đến cả niềm tin yêu nữa. Không phải họ không đủ khả năng để tự nuôi sống bản thân, chỉ vì họ muốn dành hết thời gian và năng lực để tập trung phát triển thiền định để đạt tới hiểu biết và tình thương rộng lớn. Vả lại, tránh xa thế giới vật chất để dập tắt sự hưởng thụ và không tự tạo ra vật chất để nhún mình trước kẻ khác khi xin ăn, là một công phu luyện tập rất quan trọng. Ý niệm về "tôi" và cái "của tôi" luôn được soi thủng, thay vào đó là sự giác ngộ về tính liên kết chập chùng giữa vạn vật trên thế gian này trong bản thể vô ngã, để từ đó có thể yêu thương hết muôn loài.

Buông xả vật chất cũng chỉ là một phần trong hành trang của một vị thầy tâm linh, nhưng đó cũng là một hành động rất can đảm. Nhìn lại, ta thấy mình luôn có thói quen bám chặt vào vật chất, ngay cả những vật dụng thông thường, chứ đừng nói chi đến những tiện nghi cao cấp, nhất là trong thời đại bây giờ con người đã phải dựa dẫm vào máy móc rất nhiều. Giả sử ta phải tắt điện thoại hay không lên mạng vài ngày thì ta cảm thấy thế nào? Hoặc ta đã quen ngồi xe hơi có máy lạnh và tránh được bụi bặm, nhưng vì lý do gì đó phải dùng xe buýt thì ta có thấy khó chịu không? Hoặc ta đang sống rất thoải mái, bỗng dưng bị mất việc nên mọi chi tiêu đều phải dè dặt thì ta có thấy bình thường không? Dĩ nhiên, rồi ta cũng sẽ quen với cách sống thiếu thốn, nếu hoàn cảnh bắt buộc. Song, lên núi bao giờ cũng khó hơn xuống núi. Từ giã cảm xúc tốt để chấp nhận cảm xúc xấu phải cần tới thái độ đúng đắn và ý chí vững vàng mới làm nổi.

Và khi ta đã thích nghi được lối sống ít hưởng thu, ta bỗng thấy không gian của mình thật rộng lớn, ta có nhiều thời gian và cảm hứng để nhìn sâu vào mọi đối tượng hay mọi vấn đề đang xảy ra, ta cảm nhận được nguồn năng lượng trong ta không còn bị phân tán như trước kia nữa. Dù bất đắc dĩ phải sống trong điều kiện ấy, nhưng khi trải nghiệm một thời gian thì ta cũng nhìn nhận rằng, cuộc sống còn có những điều hết sức mầu nhiệm và ta chỉ tiếp xúc được với những giá trị ấy khi ta dám tránh xa ánh hào quang hấp dẫn của vật chất. Đúng là tự thân của vật chất chẳng có tội tình gì, nhưng năng lực hấp dẫn của nó có khả năng đánh thức lòng tham của con người và rút mòn sinh lực. Biết bao bi kịch xảy ra xưa nay cũng từ uy lực của vật chất. Cho nên các bậc thánh hiền luôn tự đặt mình vào nếp sống "tam thường bất túc", tức là ba nhu cầu sinh hoạt căn bản nhất của con người là ăn, mặc và ngủ không cho đầy đủ, để dồn năng lượng về phía tài năng và đức hạnh. Nếu ta cứ loay hoay mãi với cái tầm thường thì sẽ lạc mất cái phi thường.

Dù không có ý muốn trở thành bậc thánh hiền thì ta cũng nên học tập lối sống trí thức ấy để nâng cao phẩm chất đời sống tâm hồn. Có khi con thuyền của ta không tiến về phía trước được vì nó đã quá nặng nề, đầy khắm. Ta không thể chất thêm bất cứ thùng hàng nào lên nữa. Ngược lại, muốn giải cứu nó thì ta phải can đảm thảy bớt vài thùng hàng to lớn xuống biển, dù những thùng hàng ấy rất quý giá. Buông xả chỉ trở thành phép thực tập bổ ích khi nó đứng giữa sự tranh đấu của thói quen yêu thích và thái độ không bám víu, chứ không phải vì ta khkông cần nữa nên mới buông xả. Điều kỳ lạ là càng buông xả thì ta càng thấy nhẹ nhõm và bình an hơn, hoàn toàn khác với thói quen càng tích góp thì càng lo lắng, mệt mỏi. Hơn nữa, chung quanh còn biết bao người khốn khó, nên ta cần buông xả bớt tài sản của mình để thể hiện tình nhân ái; thiết nghĩ điều đó cũng không có gì quá khả năng hay cao cả, vì chẳng phải ta luôn nương tựa nhau để tồn tại hay sao?

Buông xả tinh thần

Người ta thường dễ thấy sự hấp dẫn của tiện nghi vật chất, nhưng lại ít phát hiện ra sức "gây nghiện" của tiện nghi tinh thần. Chắc không ít lần ta đã lái xe hàng chục cây số đến nhà một người bạn chỉ để mong họ công nhận tác phẩm của mình, cũng tức là công nhận tài năng của mình. Rồi khi ta bị người ấy thẳng thắn chê bai, hay chỉ trích lỗi lầm thì ta dễ dàng chán nản và muốn buông xuôi tất cả. Cũng có khi ta lại tìm mọi phương cách, kể cả những mánh khóe hay kỹ xảo giả tạo, để được mọi người chú ý và khen ngợi. Và rồi bỗng dưng bị kẻ xấu đặt điều vu khống trên báo chí, hay phanh phui những chuyện đời tư thì ta dễ dàng điên tiết lên và quyết định phải trả đũa. Lẽ dĩ nhiên, ta sẽ cho rằng tất cả những phản ứng này thật bình thường, đó là bản năng tự vệ của con người. Nhưng vì con người luôn muốn vươn mình lên cao hơn những sinh vật khác để có được bình an, hạnh phúc và thảnh thơi vững bền, nên con người đành phải cố gắng chuyển hoá những hạn chế tất yếu vốn làm hư hại đến mục đích cao cả của mình.

Công nhận, khen ngợi, kính trọng hay thương yêu đều đem tới cảm xúc rất tốt, ai mà không thích. Nhưng nếu ta thích nó thì cũng tức là ta không thích những thứ tạo ra cảm xúc xấu như phủ nhận, chê bai, khinh miệt hay ghét bỏ. Ta cũng đã nghiệm ra được ít nhiều về bản chất của cuộc sống: nó biến chuyển không ngừng và có khi thật bất ngờ; vây nên ta không thể cố gắng nắm bắt những thứ mình thích và ra sức chống đối lại những thứ mình không thích khi nó ở ngoài ta. Trong quá khứ, ta đã tiêu tốn quá nhiều năng lượng và để cho tâm hồn mình xuống cấp trầm trọng chỉ vì không chống chọi nổi cơn khát cảm xúc "tôn trọng". Như ta mở lòng muốn giúp đỡ người kia, nhưng bị dội ngay lại bởi thái độ bất cần hay vô phép của họ. Ta cần kẻ ấy phải trao lại một thứ gì đó thì ta mới chịu giúp đỡ. Nhưng nếu ta buông xả được đòi hỏi nhỏ nhen ấy, dọn sạch những điều kiện thỏa mãn cái tôi, để chỉ một lòng hướng tới giúp đỡ thì sự hiến tặng ấy mới là hiến tặng thực sự. Người cho và người nhận đều được lợi ích. Đặc biệt, một khi đã buông xả được tâm tham cầu, ta sẽ bước lên một cung bậc cao hơn của tâm thức.

Cũng như khi người kia xúc phạm, làm ta tổn thương, tức là họ nợ ta một cảm xúc xấu. Theo "quy luật cân bằng cảm xúc" thì người ấy phải chấp nhận bị ta trả lại một cảm xúc xấu bằng một hành động tương xứng nào đó. Nhưng lỡ ta ra tay mạnh hơn, hoặc người kia bị tổn thương nhiều hơn, họ sẽ phản công để đòi lại cảm xúc công bằng hay có thể hơn thế nữa. Nếu ta kịp thời nhận ra cuộc chiến đang leo thang, cả hai đều đang chịu tổn thất nặng nề, nên ta quyết định dừng lại, ta chấp nhận buông xả, chấp nhận thua thiệt, cũng tức là ta đã chấp nhận "biếu không" cho kẻ ấy món nợ cảm xúc. Điều thú vị không ngờ là vũ trụ sẽ đứng ra giải quyết. Vũ trụ sẽ rút lại năng lượng của kẻ ấy và chuyển thành năng lượng khác bù đắp lại cho ta. Gieo nhân nào gặt quả ấy chính là nguyên tắc điều hợp xưa nay của vũ trụ, không ai có thể thoát khỏi.

Đáng được nể trọng nhưng ta không thấy tự hào vì ý thức được ai cũng có những cái hay cái đẹp; đáng được khen ngợi nhưng ta luôn ý thức thành quả này là nhờ sự trợ giúp của rất nhiều bàn tay nên luôn nhún nhường; đáng được thương yêu mà ta luôn ý thức đây là sự may mắn nên cố gắng giới hạn sự đòi hỏi và chiếm hữu. Tự biết giới hạn mình trước mọi sự hưởng thụ dù sự hưởng thụ ấy xứng đáng với những cống hiến của mình thì đó là bậc trí. Thật ra những gì ta đã buông xả sẽ không bao giờ mất. Dù ta không chủ ý, nhưng theo nguyên tắc tự nhiên thì ta sẽ được đền bù bằng cách này hay cách khác. Huống chi, khi thực tập buông xả, ta phóng thích được những năng lượng xấu đang tàn phá trong tâm, ta bảo vệ được những hạt mầm thánh thiện, ta giữ được cơ chế tâm thức của mình luôn vận hành thuận chiều vũ trụ, ta xóa bỏ được ranh giới chia cắt phân biệt hay đối nghịch giữa những cá thể với nhau, thì sự tồn tại của ta giữa cuộc đời này chắc chắn sẽ được an ổn lâu dài.

Nhưng ta nên nhớ, buông xả tiện nghi vật chất đã khó thì buông xả tiện nghi tinh thần sẽ khó hơn gấp trăm ngàn lần. Tuy nhiên, cái nào khó mà ta buông xả được thì ta sẽ nhận lại khoảng không gian thênh thang trong tâm hồn. Để có thể làm được những điều ấy, ta phải thực tập buông xả từ những cố chấp hay toan tính nhỏ nhen luôn xảy ra trong đời sống. Tập theo dõi tâm mình một cách tự nhiên, khách quan mà không áp đặt nó phải thành công liền. Dù ta biết mình chưa thật sự buông xả, nhưng thấu rõ nguyên do và không ngừng quan sát tiến trình ấy thì thế nào ta cũng có ngày thật sự vượt qua được nó.

Cho nên buông xả những tiện nghi tinh thần cũng chính là thả những "con bò" yêu quý của ta. Những "con bò" này không có hình tướng rõ ràng nên đôi khi ta không nhìn thấy và tưởng mình đã hoàn toàn vô sản. Vì vậy, ta cần phải nhờ những người thân tín, hay sức mạnh đoàn thể soi sáng, để ta biết mình đang mắc kẹt vì những "con bò" nào. Nếu có mười hai con bò thì ta sẽ có mười hai nỗi lo; nếu có năm con bò thì ta có năm nỗi lo; nếu chỉ có một con bò thì ta chỉ có một nỗi lo. Tất nhiên, ta chỉ chấp nhận phép "loại trừ" này khi ta đang đứng trước sự chọn lựa giữa thói quen hưởng thụ và buông xả để được thảnh thơi, khi ta thật sự muốn phát triển đời sống tâm hồn. Và tùy vào sự khôn ngoan và bản lĩnh của mỗi người mà ta quyết định chọn cho mình con đường nào. Nếu ta đã quyết định thực tập buông xả cảm xúc tốt và đón nhận cảm xúc xấu thì tức là ta đã chính thức bước lên con đường của những bậc thánh, bậc hùng dù biết rằng đường hãy còn xa.

Bận lòng chi nắm bắt
Trăm năm nữa còn không
Xin về làm mây trắng
Nhẹ nhàng trôi thong dong.

17/5/11

Đàn ông - nếu đã 20 ...

(Trang Hạ dịch) - Tác giả: Lý Khai Phục từng là Phó tổng giám đốc Microsoft toàn cầu trong thập kỷ 90, rồi đảm nhận Phó tổng giám đốc Google châu Á năm 2005. Ông sinh năm 1961 tại Đài Bắc, thường gây sóng gió bởi những phát ngôn sáng suốt nhưng ngôn từ trần trụi khó nghe.

" Nếu bạn là đàn ông, nếu bạn đã hai mươi, nhưng bạn chưa hai lăm tuổi, bạn buộc phải tìm được một thứ gì đó ngoài tình yêu, giúp đôi chân bạn đứng vững vàng trong cuộc đời này. Bạn phải bắt đầu nghĩ cách để kiếm ĐỦ và sống ĐƯỢC.


Tôi chưa từng bao giờ nghĩ bằng cấp là thứ quan trọng, thiên tài với danh nhân đâu phải từ lò luyện và trường lớp mà ra. Nhưng nếu bạn không học tới nơi tới chốn, thì dù có đi làm cửu vạn, ngay cả bao cát cũng sợ rằng chẳng biết cách mà vác.


Bạn buộc phải làm cho những suy nghĩ văn vẻ và cảm xúc màu mè thị dân của mình dần trở thành lối tư duy sáng sủa, rõ ràng và những ngôn từ giản tiện ngắn gọn. Bởi những thứ màu mè và bồng bột sẽ không thể tồn tại lâu. Bạn phải biết rằng, những sự thích thú khi khi đọc văn hay, nghe lời bay bướm mang lại sẽ chẳng mấy giá trị, trong khi thứ quan trọng nhất lại nằm ở trí tuệ, tinh thần, tâm hồn, nội dung, tư duy của bạn.


Là đàn ông, làm ơn đừng đọc văn của những nhà văn nữ cùng thời với bạn.

Là đàn ông, làm ơn đừng trách người khác, đừng nhỏ nhặt, làm ra vẻ đáng thương.

Làm ơn đừng nghĩ đến cái gì là viết về cái đó.

Và chớ tiếc rẻ đôi chút cảm động bé nhỏ, đôi chút thương xót nhỏ nhoi.

Bạn phải tin vào cái đẹp, tin vào hơi ấm, vào lòng tin con người, sự tự trọng của mỗi người, bạn hãy giữ gìn những phẩm chất xưa cũ này. Tôi không muốn bạn bốc đồng, vô vị, mù mờ, chà đạp chính mình và làm thương tổn người khác. Bạn không nên nhào nặn đời bạn thành một đống hỗn độn tổng hợp đủ thứ.


Khi bạn thay đổi con người bạn, hãy cố nâng niu những giá trị bản thân, cho dù bạn biết rõ, không phải ai cũng ưa những gì bạn đang có.


Làm ơn đừng chấp nhận thỏa hiệp với những con người đang ngụy trang là họ thức thời, cấp tiến. Họ chỉ là những kẻ vô công rồi nghề đang tìm cách biện minh cho sự thua kém của bản thân họ. Sự mạnh mẽ, bản lĩnh đàn ông nằm ở tận trong trái tim bạn, bạn có sức mạnh và vẻ đẹp từ trong tim, từ niềm tin mà dù thời gian và tuổi trẻ có trôi qua cũng không khuất phục được.

Bạn không có quyền ngồi trong cái tháp ngà của trường học, rồi bảo tôi yêu thế giới này tươi đẹp. Bạn phải nhìn thấy cái đen tối của thế giới, sự bẩn thỉu của cuộc đời, sự xấu xa của con người, sau đó mới nói rằng tôi vẫn yêu thế giới này, tôi vẫn yêu cuộc sống và tôi sống.


Tuổi trẻ ngắn ngủi thế, nhưng đừng sợ tuổi già.

Đôi khi, bạn có thể dừng lại nghỉ ngơi, nhưng đừng quỳ xuống.

Khi đi một con đường, bạn chớ ngoái đầu nhìn lại, hoặc tự hỏi, mình đang làm cái gì?


Khi đau và nhục, đàn ông có thể khóc và gào. Khóc đi, rồi rửa mặt, vỗ má mình, rồi áp má mình để trên gương mặt bạn có một nụ cười. Chứ bạn đừng dụi mắt hay lấy tay lau nước mắt. Bởi có thể sớm mai bạn sẽ mang một đôi mắt trũng và sưng vì khóc. Chớ để sớm mai ai cũng nhận ra bạn từng khóc.

Đàn ông hãy xác định cho mình một mục tiêu xa hơn và một lộ trình dài hơn. Hãy nhớ thỉnh thoảng ngửa đầu nhìn trời xanh, và lúc nhìn lên trời xanh hãy nhớ cúi xuống nhìn đất dưới chân mình.

Vào bất kỳ lúc nào, bất kỳ người nào hỏi bạn, bạn yêu mấy lần, đáp án của bạn phải luôn là hai. Một lần, cô ấy yêu tôi nhưng tôi không cảm xúc, một lần là tôi yêu cô ấy nhưng không được đáp lại. Hãy luôn nhớ rằng, tình yêu đẹp vẫn luôn đang đợi bạn ở lần yêu sau. Nên đừng luyến tiếc, đừng để một người đàn bà nào có cơ hội làm bạn bị tổn thương tới lần thứ hai.


Làm đàn ông, đừng giao du với văn nghệ sĩ hay bọn văn sĩ trẻ, cũng như đừng làm bạn với những kẻ bất đắc chí, thiếu tâm huyết với đời, cũng tuyệt đối không được bạn bè với những người đàn ông không có nghề nghiệp chính thức, kiêm quá nhiều nghề.


Cũng đừng yêu người phụ nữ nào hy sinh vì bạn. Khi có một cô nàng tự chà đạp bản thân nàng, tự hy sinh, tự chịu thiệt vì bạn, bạn chớ nên vì thế mà cảm động hoặc yêu kẻ lụy tình ấy. Bởi một người đàn ông nghiện hút trộm cắp đầy mình thân với bạn, có thể kẻ nghiện hút trộm cắp tiếp theo sẽ là chính bản thân bạn. Tình yêu cũng tương tự như vậy, khi một người phụ nữ vì yêu mà cầm dao cứa tay mình đau, có thể kẻ tiếp theo bị nàng cứa chính là bạn.


Không bao giờ đặt niềm tin vào một gã đàn ông chỉ định giao du với mình bạn chứ không cho bạn biết hắn đang chơi bời với những bạn bè nào khác.


Khi một cô nàng định gọi bạn là “anh yêu, baby, chồng yêu ơi”, bạn hãy bắt buộc cô nàng gọi bạn bằng tên bạn, bởi bạn là một người đàn ông, bạn không phải thú cưng của ai.


Khi một người đàn ông hoặc một người đàn bà tự nhiên không tới tìm bạn nữa, bạn hãy dứt khoát đừng gọi tới làm phiền họ.


Đừng tin những kẻ dùng tiểu xảo trong tình yêu. Và đừng ác miệng sau khi chia tay người tình. Nghe lời khuyên của người khác, nhưng đừng hối hận, bởi hối hận chưa từng mang lại cho đàn ông bất cứ thứ gì hay ho.


Đàn ông thì không xé ảnh, đốt thư, xé nhật ký, làm những việc mà chỉ diễn viên ba xu trên phim truyền hình mới làm. Bởi bạn tin vào tình yêu. Tin rằng trên đời vẫn còn những người đàn ông tốt và những người phụ nữ tốt đẹp, có thể họ cũng chưa kết hôn, họ cũng vẫn đang vượt trùng trùng biển người trong đời để tìm đến bạn. Nên đừng nói những câu đại loại như: “Thời này làm gì có đàn bà tử tế” hoặc “Làm gì có đàn ông tốt!”. Những câu như thế thường làm người ta hiểu rằng, bạn đã no xôi chán chè, hời hợt với vô số người, vơ đũa cả nắm và không hề sống nghiêm túc, chưa trưởng thành.


Hãy yêu tiền, yêu vật chất, dùng tiền để sống cho ra sống. Nhưng vẫn hiểu rằng những giá trị tinh thần cũng quan trọng biết bao. Và con người bạn, một người đàn ông đầy sức sống, háo hức sống vẫn luôn có giá trị và đẹp đẽ hơn những đồng hồ hàng hiệu, thời trang, phụ kiện sành điệu bạn đang mang. Nếu đã hơn hai mươi tuổi nhưng mỗi phút bạn sống, bạn vẫn phải ngửa tay xin tiền bố mẹ, thì những tiền bạc bạn có, đồ hiệu bạn mặc chỉ làm cho sự vô liêm sỉ của bạn nổi bật hơn mà thôi. Nên đồ hiệu không làm bạn có giá hơn. Bản thân người đàn ông không có giá trị bản thân, thì dù có bọc vàng, được bố mẹ nâng đỡ sự nghiệp chức này tước kia, cũng vẫn chỉ là một kẻ ăn bám bọc vàng. Một con lừa dù có đóng yên cương vàng khối cũng không thể trở thành tuấn mã.


Bạn còn trẻ, có thể chưa đủ tuổi để bắt đầu một sự nghiệp riêng, một tương lai huy hoàng. Nhưng bạn đã đủ tuổi thành niên, nên ít nhất, cũng không thể làm một cái gánh nặng đeo trên lưng bố mẹ, để bố mẹ mất hai mươi năm nuôi dạy, cái gánh nặng đã sống ký sinh trên lưng chỉ nặng thêm và nhiều đòi hỏi hơn.


Bạn đừng tưởng bạn trẻ, bạn làm một kiểu tóc có màu khác người, mặc một bộ quần áo dở nam dở nữ Unisex, rồi phun lên người một thứ mùi nước hoa, thì người khác sẽ tôn trọng bạn. Cái ngước nhìn của người khác không mang ý trầm trồ ngưỡng mộ, mà là cái nhìn khi đi ngang qua sở thú. Rất nhiều đàn ông khác chỉ bởi họ được giáo dục tốt nên họ sẽ không bày tỏ thái độ gì với bạn đâu, họ sẽ tôn trọng sự “cá tính” của bạn, nhưng không có nghĩa rằng, họ không nhận ra sự xấu xí của người đàn ông trước mặt.


Xin bạn đừng coi rẻ những người lao động nghèo. Đừng xấu hổ vì phải làm việc nặng nhọc. Đất không bẩn, mồ hôi không hôi hám. Xin hãy tôn trọng những người có thể không giàu bằng bạn, nhưng họ đang nuôi cả gia đình bằng đôi tay lương thiện và cần cù của họ. Bạn tôn trọng họ, bạn mới biết giá trị của bạn nằm ở đâu.


Làm đàn ông, hãy tha thứ, nhưng đừng quên. Và hãy khoan dung với cả thế giới cũng như với chính bản thân bạn. Để luôn tự nhủ rằng, ta là đàn ông, ta xứng đáng để có được những thứ tốt đẹp hơn".


Lý Khai Phục






16/5/11

Bác sỹ cũng bó tay

Trong phòng bệnh:
- Với biểu hiện như thế này, có thể khẳng định chắc chắn là anh đã bị nhiễm độc rất nặng.
- Trời ơi! Nguy hiểm quá! Vậy thưa bác sĩ, tôi bị nhiễm chất độc gì ạ?
- Điều này chúng tôi chỉ có thể trả lời sau khi đã khám nghiệm tử thi.
- !!!

o O o

Theo lời khuyên của bác sĩ, nhà quản lý nọ bắt đầu chơi quần vợt để cải thiện tình trạng sức khỏe. Sau vài tuần, thư ký hỏi ông ta tình hình tiến triển đến đâu rồi.
- Ổn cả! - Nhà quản lý đáp. - Khi ở trên sân quần và nhìn thấy trái bóng bay về phía mình, bộ óc của tôi lập tức ra lệnh: "Chạy về góc! Ve trái! Lên lưới! Đập! Lùi lại".
- Vậy sao? - Cô gái phấn chấn hỏi. - Còn sau đó.
- Rồi tấm thân phì nộn của tôi hỏi lại: "Ai cơ? Tôi ấy à? Đừng nói chuyện vớ vẩn!".

o O o

Một mệnh phụ phu nhân nhan sắc đã đến độ héo tàn vào một thẩm mỹ viện nổi tiếng toàn quốc, đòi gặp bác sĩ giỏi nhất ở đó. Khi được toại nguyện, bà ta hồi hộp gặng hỏi.
- Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể can thiệp làm cho gương mặt của tôi trẻ đẹp lại được không?
Bác sĩ chăm chú nhìn bà già rồi đáp:
- Xin lỗi bà! Ở nước ta, việc chặt đầu bị cấm từ lâu rồi!

4/5/11

Vợ sợ gì?

Vợ tôi sợ đủ mọi thứ trên đời này: sợ từ con ruồi, sợ bọn lưu manh, sợ đứng trên cao, sợ nước lã, sợ anh thợ chữa máy nước của khu nhà ở, sợ tối, sợ động đất, sợ nếp nhăn trên da mặt, sợ cả cái bóng của chính mình, vân vân và vân vân...
Mùa hè thì vợ tôi sợ đến mùa đông người ta bắt đầu đến sửa chữa lò sưởi. Mùa đông thì vợ tôi lại sợ người ta cho tôi được nghỉ phép mà đáng ra tôi phải được nhận vé đi nghỉ từ mùa hè hay mùa thu.
Vợ tôi hốt hoảng khi thấy dự báo thời tiết trên thế giới nói mùa hè sẽ rét sớm, vì như vậy ở Ma-rốc sẽ bị mất mùa chanh cam.
Vợ tôi run lên khi nghe báo tin là mùa đông sẽ ấm, vì sợ như vậy sẽ có dịch cúm ở Hồng Kông.
Vợ tôi không dám đi máy bay vì sợ lọt vào những lỗ hổng không khí.
Vợ tôi sợ đi xe lửa vì thường hay gặp những người phục vụ và khách đi nghỉ say rượu.
Không phải là ta có thể đi bất kỳ chỗ nào bằng xe ô-tô-buýt hay tắc-xi. Nhưng ngay cả ở những tuyến đường có thể, vợ tôi cũng không bao giờ đi xe buýt hay xe tắc-xi. Vợ tôi không đi xe ô-tô-buýt vì sợ trong ổ vé hết vé và tuy đã bỏ tiền vào hộp vẫn bị mang tiếng là đi lậu vé. Vợ tôi sợ đi xe tắc-xi, bởi vì tài xế lái đi chu du khắp thành phố, rồi chiếc máy tính cây số và tính tiền sẽ chỉ những con số thiên binh có thể làm cho bạn đến khánh kiệt.
Vì vậy các bạn có thể hỏi: vợ tôi đi phố như thế nào?
Vợ tôi đi phố cũng hệt như vợ I-go Pê-trô-vích, nghĩa là xách theo ba cái bị, đi nhẹ về nặng, đi thì túi rỗng, về thì đến một quả táo rơi trúng túi cũng không còn chỗ nào mà lọt vào nữa. Bởi vì vợ tôi sợ vợ I-go Pê-trô-vích sẽ mua tranh mất của mình, những thứ mà vợ tôi rất cần, hoặc không cần, nhưng cũng cứ mua để khỏi bị kém người.
Còn vợ I-go Pê-trô-vích bao giờ cũng mua nhiều vì sợ vợ tôi mua mất những thứ mà bà ta ao ước hàng tuần lễ nay.
Vì thế mà vợ tôi lại gặp vợ I-go Pê-trô-vích ngoài phố, khi cả hai người đều xách hai tay hai túi nặng đến nỗi mệt không thể cất tiếng chào nhau theo đúng phép lịch sự được. Bởi vì vợ tôi luôn luôn sợ là mình không lịch sự bằng vợ I-go Pê-trô-vích.
Vợ tôi rất sợ bị ốm bởi vì đã có một lần nghe vợ I-go Pê-trô-vích kể lại rằng em họ mình bị tiêm nhầm thuốc. Sau đó, người bệnh kia bị phát ban lên đỏ dừ mặt. Đó là cái thứ mà vợ tôi còn sợ hơn cả các bác sỹ lẫn y tá.
Nhưng có lẽ điều mà vợ tôi sợ nhất, là bị lạc hậu hơn vợ I-go Pê-trô-vích. Còn vợ I-go Pê-trô-vích thì lại sợ không am hiểu tình hình bằng vợ tôi.
Do đó, I-go Pê-trô-vích đã phải đặt mua dài hạn đủ thứ báo chí: từ báo Màn ảnh Xô viết đến báo Mốt thời thượng, từ báo Sao đỏ đến báo Ngôi sao phương Đông, từ báo Người săn bắn cho tới báo Sự nghiệp cứu hoả phòng cháy. Bởi vậy, vợ tôi rất sợ sẽ không mua được tờ báo nào đó có đăng truyện, tiểu thuyết mà vợ I-go Pê-trô-vích luôn luôn được bác bán sách để dành cho.
Còn tôi thì cũng hơi ghen tị với bạn một chút, vì anh ta thật là một người đàn ông dũng cảm. Sau khi từ Bắc cực trở về, anh ta lại xung phong nhận công tác ở sa mạc Ca-ra-cum ba năm nữa. Anh không sợ rét cũng chẳng sợ nóng, chẳng sợ nước lã, chẳng sợ ruồi muỗi, và cũng không sợ vợ mình phàn nàn.
Nhưng trở lại câu chuyện của vợ tôi. Có thể vợ tôi cũng không sợ một cái gì đó trên đời này.
Đó là vợ tôi không sợ tôi.

Để 8 giờ nơi công sở luôn vui

Làm thế nào để 8 giờ làm việc của bạn đạt được chất lượng cao mà vẫn luôn tươi trẻ?

Hãy tập thể dục


Đi bộ trong giờ ăn trưa là cách rất hay. Nó không những đốt cháy calori mà còn giúp giảm stress. Nếu bạn không thể đi ra ngoài trong giờ ăn trưa, hãy để xe ở một nơi xa hơn bình thường để bạn có cơ hội đi xa hơn, hoặc cố gắng leo cầu thang thay vì đi thang máy.

Tránh tăng cân do… ăn vặt

Nếu bạn không cẩn thận thì những món ăn vặt mà đồng nghiệp bày lên bàn như mời gọi sẽ khiến bạn nạp thêm vài trăm calori vào chế độ ăn hàng ngày của mình.

Uống đủ nước

Nhiều thực phẩm là nguồn cung cấp nước dồi dào, như cam, quýt, nho, lê, dưa hấu và táo. Bạn có thể mang theo bình nửa lít để đựng nước khi đi làm và nhớ uống hết bình đó trước giờ ăn trưa.

Sau đó, đổ đầy bình nước và uống hết bình thứ hai lúc 15 giờ chiều, và uống hết bình thứ ba trước 17 giờ chiều.

Tránh mỏi mắt

Máy tính có thể gây nhức đầu, khó tập trung, và tăng sự nhạy cảm với ánh sáng. Để phòng ngừa mỏi mắt, bạn nên giữ khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính bằng chiều dài một cánh tay. Ở khoảng cách này, bạn có thể đọc được chữ thoải mái mà không cần phải nheo mắt.

Chú ý lượng thức ăn

Lúc ăn trưa ở công sở, bạn nên tập ăn vừa phải, vì bạn lại tiếp tục ngồi trong văn phòng vào buổi chiều. Không phải vì thực phẩm xấu mà là vì bạn ăn quá nhiều đó thôi.

Tận dụng nghỉ phép

Thật bổ ích nếu bạn có được một kỳ nghỉ để “nạp pin” cho cơ thể sau một thời gian dài làm việc. Những kỳ nghỉ đó sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và tách bạn khỏi môi trường công việc. Căng thẳng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn và làm tăng nguy cơ bệnh tật.

Tránh làm việc kéo dài

Đôi khi, người ta tập trung vào công việc theo kế hoạch và cố gắng thực hiện cho đến khi hoàn thành mới thôi. Tình trạng này kéo dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch cũng như ảnh hưởng lên giấc ngủ và khả năng tập trung khi làm việc.

Vệ sinh bàn phím, chuột và điện thoại

Tại hội nghị tổng kết lần thứ 100 của Hội Vi sinh học Mỹ, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều virus có thể sống sót từ nhiều giờ đến nhiều ngày trên bề mặt cứng. Ví dụ con virus Rotavirus (gây tiêu chảy) sống trên bề mặt của ống nghe điện thoại, khi số lượng đủ gây nhiễm trùng, chúng sẽ lây lan rất nhanh.

Tự nhận thức

Hãy hiểu biết bản thân bạn và hãy làm việc hết sức mình trong giới hạn đó. Hãy biết khi nào cần giải lao, biết khi nào cần phải xin nghỉ phép.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

3 tháng thanh toán 1 ngoại ngữ

Một phương pháp học giúp bạn rút ngắn được thời gian.

Ngày nay trên khắp thế giới, hơn 8 triệu người vẫn tiếp tục dùng phương pháp “hiệu quả nhất” để học một hoặc vài ngoại ngữ. Cách học gì mà hiệu quả như vậy...

Khi bạn học một thứ tiếng nào đó bạn có thể chọn một trong hai cách: hoặc là bạn học ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm…liên miên hết tháng này sang tháng khác, hoặc là bạn quay lại cách mà bạn học nói tiếng mẹ đẻ khi còn nhỏ.

Bạn có thể không nhớ, nhưng lúc bé bạn đả bắt đầu nói những âm đầu tiên, những từ đơn giản: bố, mẹ…rồi bạn bắt đầu nói những cụm từ mà có khi bạn chẳng hiểu gì cả. Rồi rất nhanh chóng, bạn đã nói bà hiểu được, rồi làm người khác hiểu được ý mình. Đây chính là cách học tốt nhất để học bất cứ ngoại ngữ nào.

Tại sao chỉ cần có ba tháng...

Là một đứa trẻ, bạn sẽ học nói do “vô tình” thôi. Cậu bé bắt chước bố mẹ mình mà không hề biết tại sao lại làm được như vậy. Với bạn, học ngoại ngữ lại khác. Bạn học có mục đích hẳn hoi. Vì thế, chỉ cần 3 tháng (mỗi ngày dành độ nửa tiếng) là đủ để bạn có thể nói dễ dàng bất cứ ngoại ngữ nào.

Học như thế nào...

Bạn mua một cuốn băng cassette (có kèm sách) cho trình độ ban đầu của ngoại ngữ bạn chọn. Các băng này đều do các chuyên gia ngôn ngữ dọan cả. Bạn bắt đầu nghe đi nghe lại băng này. Chính nhờ sự lặp lại này trên cassette, từ vựng và cách phát âm sẽ chặt vào bộ nhớ của bạn mà khỏi cần lo lắng lắm về “năng khiếu”, hay IQ của mình. Khi bạn nói ngoại ngữ mới này, các câu nói sẽ tự đến với bạn một cách tự nhiên như tiếng mẹ đẻ vậy. Có ba giai đoạn như sau:

1. Nghe: Trước tiên, bạn phải tập cho tai mình quen với những âm thanh của thứ tiếng mới. Nghe nhưng đừng có hiểu gì cả. Bằng cách đơn giản này, bạn sẽ dần nắm được những âm, ngữ điệu và các phản xạ ngôn ngữ - một yếu tố rất quan trọng khi học ngoại ngữ.

2. Đọc: hãy tìm đọc những cuốn sách ngoại ngữ đơn giản, có tranh ảnh minh họa. Vừa đọc text và các bài đàm thoại vừa tra từ mới. Ngữ pháp, động từ, cách diễn đạt, cùng các cấu trúc đặc biệt đều có trong bài đàm thoại cả. bạn sẽ ngấm chúng một cách tự nhiên mà khỏi cần nhọc công.

3. Nói: bạn nghe và lặp lại theo băng những âm, từ, cụm từ, rồi dần dà bạn sẽ diễn đạt hoàn chỉnh. Khi đã được rồi, bạn sẽ cảm thấy thiếu thốn từ vựng. Nhưng theo phương pháp trên bạn sẽ tăng vốn từ nhanh thôi. Tồi bạn sẽ nói được những câu dài hơn và hoàn chỉnh hơn. Hãy đi từ dễ đến khó, chỉ sau 3 tháng bạn sẽ thấy mình nói được ngoại ngữ mới một cách ngon lành.

Chúc bạn thành công.
 
Lê Trọng Hiếu biên dịch

3/5/11

Cổ tích về Vợ

Một đôi vợ chồng mới cưới được hai tuần. Anh chồng, mặc dù đang say mê với tình yêu nhưng vẫn muốn được đi nhậu cùng bạn bè. Vì thế, anh ta năn nỉ vợ:

“Em thân yêu, anh sẽ về ngay thôi”.

“Anh định đi đâu, chàng ngốc của em?” – cô vợ hỏi.

“Anh đi đến quán rượu, khuôn mặt xinh đẹp của anh ạ, sẽ uống chút bia”.

“Anh muốn uống bia hả tình yêu của em?”

Cô mở cửa tủ lạnh và chỉ cho chồng thấy 25 loại bia khác nhau, nhãn hiệu từ 25 nước: Đức, Hà Lan, Nhật Bản,...

Anh chồng còn chưa biết phải làm gì, điều duy nhất anh ta nghĩ là: “Phải rồi, kẹo mút của anh. Nhưng ở quán rượu… em biết không... người ta có những cái cốc lạnh băng...”

Anh chồng chưa kịp nói hết câu, cô vợ đã ngắt lời:
“Anh muốn cốc lạnh ư, cún con?”

Nói rồi cô lôi ra một cái cốc đựng đóng băng khiến cô run lên khi cầm vào nó.

Anh chồng đã hơi tái tái, nói: “Phải, cô nàng chu đáo, nhưng ở quán người ta có món nhắm rất ngon... Anh sẽ không đi lâu đâu, sẽ về ngay mà. Anh hứa, đồng ý nhé?”

“Anh muốn món nhậu ư, gấu con của em?”

Cô mở tủ lạnh ra lấy 5 cái đĩa đầy 5 nón nhắm khác nhau: cánh gà rán, chân gà nướng, thịt lợn nướng…

“Nhưng, nhưng mật ong của anh... ở quán rượu, em biết không… có những tiếng chửi, những tiếng lóng bẩn thỉu và nhiều hơn thế”.

Cô vợ trả lời: “Anh muốn những tiếng chửi thề ư, bánh sáp ong?... Nghe nhé đầu đất! Uống ngay cái thứ bia chết tiệt trong cái cốc đóng băng quỷ của anh rồi ăn đồ nhắm dở hơi mà bà đây đã làm đi. Bởi vì anh sẽ không đi đâu hết. Hiểu chưa, đồ khỉ?”

... và họ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi.

Ngất xỉu là im lặng

1. Ngất xỉu là im lặng

Trong phòng thử quần áo, một phụ nữ mặc chiếc áo măng tô sang trọng lên người. Cô ta hơi vén tấm rèm phòng thử ra hỏi người bán hàng:
- Cô có nói giá tiền cho chồng tôi biết không?
- Có ạ, thưa bà.
- Phản ứng của ông ấy ra sao?
- Ông ấy ngất đi.
- Cô biết câu tục ngữ "Im lặng là đồng ý" rồi chứ. Tôi lấy chiếc áo này.

2. Chẳng có kết quả

Tên ăn trộm lần thứ 6 ra tòa.
- Anh có điều gì nói để biện hộ cho mình không?
Quan tòa hỏi:
- Có, thưa ngài chánh án. Tôi muốn đề nghị các ông đừng đưa tôi vào tù nữa. Đã 5 lần người ta cho tôi đi tù mà chẳng đem lại kết quả gì cả.


3.Tặng quà

Một chàng trai Scotland hỏi người yêu:
- Sinh nhật này em muốn tặng cái gì?
- Em không biết, em chưa nghĩ đến điều đó.
- Được, anh gia hạn một năm để em suy nghĩ cho kỹ.