googlee5327712a49d4482.html Liễu : Blog Title the same as above

16/11/11

Nếu không phải tình yêu?

(Cảnh Vệ - Đài Loan)- Bốn năm trước, em trai tôi bắt đầu đi làm, quen một cô gái Việt Nam tên là Thuý ở cùng công ty. Quen nhau khoảng một năm, lần đầu tiên em trai tôi dẫn bạn gái về nhà. Khi đó không chỉ làm cả nhà tôi chấn động, còn dẫn tới một cuộc cách mạng trong chính gia đình.
Không phải bố mẹ tôi kỳ thị các cô dâu người nước ngoài, nhưng cứ nghe Thuý ấp úng khó nhọc câu chào: “Chào pác, chào rì, nhà ta khoẻ!” chưa kể khi nói chuyện với em trai tôi, cô ấy thường phải dùng động tác tay để diễn tả, nói thật đã đủ để hai bậc phụ huynh khá gia giáo và truyền thống phản đối họ yêu nhau.
Em trai tôi là út, khi nó vào học lớp một thì tôi và em gái sau tôi đã đi làm kiếm tiền rồi. Tuổi chúng tôi và tuổi nó quá cách xa nhau, vì thế em trai tôi từ nhỏ đã được bố mẹ cực kỳ nuông chiều, rất nhiều việc bố mẹ đã làm thay hoặc thu xếp thay cho nó, từ đó tạo nên tính chây ì, ỷ lại, bạc nhược của nó, nó luôn là đứa răm rắp nghe theo bố mẹ.
Lần này, nó cứ đeo đuổi quan hệ đấy, làm chúng tôi giật mình nhận ra, lần đầu tiên trong đời nó đã cả gan trái lời bố mẹ. Về sau này, sau nhiều lần cố gắng dẫn Thuý về nhà chơi hòng lấy lòng bố mẹ nhưng chẳng có kết quả, và bị bố mẹ tôi nghiêm khắc cấm đoán, nó lẳng lặng không nói một lời, chơi trò ì ra ăn vạ để phản kháng gia đình.
Nó không dẫn Thuý về nhà nữa, ngày nghỉ cũng không đi chơi với cô kia, hàng ngày đúng giờ đi làm và tan sở, nhất nhất đều rất ngoan ngoãn, chỉ có điều, từ những hoá đơn thanh toán điện thoại khổng lồ của nó hàng tháng, và những âm thanh rì rầm thì thào từ phòng nó đêm đêm, đều chứng tỏ bọn nó vẫn tiếp tục yêu nhau.
Giấy làm sao bọc được lửa. Sống cùng một mái nhà, bố mẹ tôi cũng phát hiện điều đó, tuy nhiên dưới sự can ngăn khuyên giải tích cực của cô chị hai, bố mẹ tôi cũng chưa lần nào chửi mắng cãi vã kịch liệt với nó, và tình hình cứ mờ mờ tỏ tỏ như thế hết ngày này qua ngày khác.
Cho đến một ngày, em trai tôi cãi nhau với đồng nghiệp trong công ty, bố mẹ tôi nhân cơ hội này bắt nó bỏ việc. Em tôi lúc đầu không chịu, sau vừa sức ép từ công ty thêm sức ép từ bố mẹ, nó đành khuất phục.
Nó xin việc mới, cương vị mới, bận rộn công việc và cũng bận làm quen với những người đồng nghiệp mới, nó thưa dần các cuộc điện thoại cho Thuý.
Vào lúc bố mẹ tôi đang mừng thầm, thì có một sự kiện bất ngờ lại giáng đến.
Hôm đó, Thuý mang quà tự tìm đến nhà tôi. Cô ấy vẫn dáng dấp đó, nụ cười bẽn lẽn đó, nhưng tiếng Hoa đã nói lưu loát hơn nhiều: “Chào bác, chào anh, chào chị, chào cả nhà!”
Trong sự kinh ngạc của gia đình chúng tôi, Thuý thanh minh sự đường đột đến thăm. Thì ra hợp đồng làm việc của cô đã kết thúc, tháng ba tới cô ấy sẽ rời Đài Loan, cô muốn cảm ơn chúng tôi đã chăm sóc bấy lâu.
Rồi Thuý bày quà ra, đó là những món ăn Việt Nam cô chế biến từ các nguyên liệu Đài Loan, có nem rán Việt Nam, nộm đu đủ trộn, khẩu vị khác của Đài Loan, nhưng cũng khá ngon. Người ta thường bảo giơ tay không nỡ tát người đang cười, huống hồ giờ cô Thuý sắp đi khỏi Đài Loan rồi, vì thế trong bầu không khí có thể tạm gọi là hoà bình, cô Thuý kết thúc chuyến thăm hỏi xã giao. Tất nhiên, gia đình tôi không cho em trai tôi biết việc này.
Thời gian trôi nhanh như bóng ngựa câu qua khe cửa hẹp, Thuý rốt cuộc đã về nước. Khi nghe tin, em trai tôi đông cứng cả người.
Từ đó về sau, một thời gian rất dài, tôi thường thấy nó ngồi lẫn đẫn một chỗ không còn chút hồn vía, làm bất cứ việc gì cũng không hào hứng, trông nó bệch bạc rũ rù. Tôi khá lo lắng, nhưng cũng còn biết làm gì được, đau thà ngắn còn hơn chịu dài, một lần cho xong, đó cũng là một kết thúc tốt đẹp, tôi tin chỉ một thời gian em tôi sẽ vui trở lại.
Quả nhiên, thời gian là liều thuốc tốt cho cơn bệnh đau tình. Hơn một tháng sau, em trai tôi khôi phục lại tinh thần, có điều, nó bắt đầu lao đầu vào làm việc, ngày nào cũng làm thêm tới chín mười giờ tối mới về, bố mẹ thương nó, nhưng dù sao lấy lại tinh thần cũng là tốt rồi, vì thế, bố mẹ tôi không ngăn cản việc nó làm thêm giờ.
Trung tuần tháng bảy, bố mẹ tôi đang ở nhà, đột ngột nhận được điện thoại của em trai tôi gọi từ… sân bay Trung Chính, nói nó đi Việt Nam tìm Thuý, tìm được sẽ quay về, cả nhà đừng chờ nó. Nó sợ gia đình lo lắng, càng sợ gia đình phản đối, vì thế khi bước chân lên máy bay, em tôi mới gọi điện về báo.
Trời ơi, em tôi từ nhỏ chưa từng đặt chân đi ra nước ngoài, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, một chữ tiếng Việt bẻ làm bốn càng không biết, mẹ tôi chửi ồ ồ trong điện thoại hàng tràng, yêu cầu nó về ngay thương lượng với gia đình. Nhưng em tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi suốt nửa năm rồi, nó không chịu nhượng bộ. Và thế là nó bay đi Việt Nam.
Khi em tôi quay lại Đài Loan, cái nó mang về là Album ảnh cưới chụp tại Việt Nam.
Cho dù việc kết hôn của hai đứa còn chưa hoàn tất thủ tục, nhưng sự kiên quyết và hành động của em trai tôi đã làm cho bố mẹ tôi hiểu ra quyết tâm lấy cô kia làm vợ của nó. Và sau đó mấy tháng trời, em tôi ngược xuôi lúc Đài Loan lúc Việt Nam, làm tất cả mọi loại thủ tục cần có, và vào tháng mười hai, nó mang bố mẹ tôi đi Việt Nam dự đám cưới của nó. Còn phía bên này, chờ khi nào Thuý về Đài Loan rồi sẽ làm tiệc cưới mời khách sau.
Chuyện thu xếp ổn thoả, tôi nhìn hai đứa chúng nó mặc áo dài cổ truyền của Việt Nam, rồi cười ngọt ngào trong tiệc cưới, tôi chân thành chúc chúng nó hạnh phúc, hy vọng cuộc hôn nhân vượt biên giới khó khăn và gian nan này sẽ kéo dài tới vĩnh viễn.
Mà suốt từ đầu đến cuối quá trình ấy, tôi chỉ có một thắc mắc nhỏ mà chưa biết bao giờ được giải đáp, hoặc có lẽ sẽ chẳng có đáp án. Đó là, vào cái hồi mà em trai tôi và em dâu tôi còn chưa thạo tiếng của nhau, nói chuyện còn cần dùng tay để diễn đạt, thì làm sao bọn chúng có nhiều chuyện đến thế để buôn điện thoại ròng rã?
Nếu không phải là “tình yêu” thì…

14/11/11

Tình yêu

(Minh Niệm) - Ta còn quá yêu bản thân mình thì làm sao ta có thể yêu thêm người khác, dù có yêu người khác cũng chỉ để phục vụ cho bản thân mình mà thôi

Đã mang lấy một chữ tình

Ta thường nói đùa với nhau: “Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ. Thà chịu khổ còn hơn chịu lỗ”. Nói đùa mà thật. Dù được cảnh báo “yêu là khổ” như một nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng hầu hết ai cũng chấp nhận khổ để có được cảm giác yêu, vì như thi sĩ Xuân Diệu đã từng lên tiếng giùm ta: “Làm sao sống được mà không yêu. Không nhớ không thương một kẻ nào”. Sống mà không yêu thương thì sự sống đâu còn ý nghĩa gì nữa. Đó là sự chết rồi. Và nếu sợ khổ mà không dám yêu thì ta có chắc là mình sẽ sống hạnh phúc hơn không? Đời sống còn nhiều thứ khác có thể làm cho ta khổ chứ đâu chỉ có tình yêu. Chung ta có biết bao người có thể “chịu khổ” để yêu thì tại sao ta phải sợ? Tình yêu có đáng sợ như ta nghĩ không?

Yêu thương là bản năng tự nhiên của con người. Nhưng nếu ta yêu thương con sông, yêu thương cánh đồng, yêu thương quê hương, yêu thương kẻ bất hạnh … thì ta đâu có khổ. Đằng này đối tượng yêu thương của ta quá hấp dẫn, có thể đánh động vào cảm xúc, có thể làm cho ta đêm nhớ ngày mong hay mất ăn bỏ ngủ, có thể khiến ta bất chấp tất cả để có được nó. Thi hào Nguyễn Du đã diễn tả tâm trạng này rất hay trong đoạn thơ: “Đã mang lấy một chữ tình. Khư khư mình buộc lấy mình vào trong. Vậy nên những chốn thong dong. Ở không yên ổn ngồi không vững vàng. Ma đưa lối quỷ đưa đường. Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Khi cảm xúc yêu đương bùng vỡ thì ta không tự chủ được nữa, mọi nhận thức hay phản ứng đều vượt tầm kiểm soát. Ta cứ lầm lũi lao tới phía trước như kẻ mộng du mà không ý thức được mình đang đi đâu, dù sắp bước vào hầm hố. Người Tây phương gọi kẻ ấy là “fall in love”, tức là bị cuốn vào tình yêu, mà cũng có thể hiểu là bị té ngã trong tình yêu.

Vì cảm xúc yêu đương mãnh liệt như thế nên nó rất dễ lấn át lý trí và lấn át cả những liên hệ tình cảm khác. Chẳng trách sao ai yêu rồi ít nhiều cũng trở nên mù quáng, thấy đối tượng mình yêu rất khác với mọi người, thấy đó là một màu hồng tuyệt hảo. Vì thế ta muốn tháo tung cái “ranh giới cái tôi” của mình ra để mời người ấy bước vào, và dĩ nhiên, ta cũng muốn người ấy nhường chỗ cho ta môt nửa trong trái tim họ. Thậm chí có khi ta muốn dâng tặng cả cuộc đời mình cho họ, nên ta đã mạnh dạng tuyên bố “yêu hết mình”. Mà thực chất là ta không kiềm chế nổi cảm xúc của mình, chứ không phải vì ta muốn phụng sự cuộc đời họ. Bởi khi màu hồng ấy trong mắt ta bắt đầu nhạt phai, thì ta cũng vội vàng tìm cách rút lui.

Tình yêu như thế chỉ là sự trao đổi cảm xúc. Trong khi một tình yêu đích thức phải chứa đựng tình thương, phải có thái độ muốn hiến tặng và chia sớt để nâng đỡ cuộc đời lẫn nhau. Có thể ta đã từng lầm tưởng tình yêu là cung bậc cao hơn tình thương. Hóa ra, tình yêu nghiêng về phía hưởng thụ còn tình thương nghiêng về phía trách nhiệm. Trong liên hệ tình cảm lứa đôi, nếu tình yêu lấn át đi tình thương thì tình cảm ấy như lửa rơm “bạo phát bạo tàn”, còn nếu tình thương lấn át được tình yêu thì tình cảm ấy như lửa than “mãi âm ỉ cháy”. Dù khởi điểm của ta là vì tiếng sét ái tình, nhưng nếu ta biết nhận diện và buông bỏ bớt những đòi hỏi không cần thiết, để quan tâm đến cuộc đời của người mình thương, để ta thấu hiểu những khó khăn hay ước mơ của họ mà giúp đỡ, thì ta sẽ có được tình yêu chân thật.

Yêu không đúng cách.

Thi sĩ Xuân Diệu phát hiện ra những lý do thường khiến tình yêu rạn vỡ: “Người ta khổ vì thương không phải cách. Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người”. Ta phải biết rằng mọi hiện tượng trên thế gian này đều phải nương tựa vào nhau để tồn tại. Tình yêu cũng không ngoại lệ, sẽ không có cái gọi là tình yêu nếu nó tách biệt với những yếu tố khác như sự bình an, vững chãi, bao dung, cởi mở… Thậm chí nếu không có gia đình, bạn bè, xã hội, kinh tế, chính trị, đạo đức và cả thiên nhiên thì tình yêu cũng không có chỗ đứng nào để tồn tại. Cho nên biết quay về chăm sóc những yếu tố tưởng chừng “đứng ngoài tình yêu” ấy cũng chính là chăm sóc tình yêu. Vậy mà khi yêu, ta thường chỉ để ý tới sự ham thích nhau, suốt ngày cứ quấn chặt vào nhau không dám rời nửa bước. Đến khi một bên không thể đáp ứng sự thỏa mãn thì sự nhàm chán và phản bội nhau là điều tất yếu xảy ra, và chắc chắn bên ở lại sẽ ngã quỵ ngay lập tức vì không còn gì để sống. Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã từng than thở: “Người đi một nửa hồn tôi chết. Một nửa hồn kia bỗng dại khờ”. Thật ra ta chẳng bao giờ trao nửa linh hồn cho ai đâu, chỉ vì một nửa (hay cả) đời sống của ta hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc của đối phương, nên khi họ đi rồi ta không còn chỗ bám. Cơn nghiện đang hành hạ ta đó thôi.

Song, lắm lúc ta cũng rất thực dụng, đến với tình yêu theo kiểu tranh hơn tranh thua như trong chiến trường kinh tế vậy. Hễ đòi hỏi được là đòi hỏi. Ta coi người ấy như sự bảo an vững chắc cho cuộc đời mình. Thành ra cụm từ “đi tìm bến trong” bây giờ có nghĩa là tìm một nơi có thể bảo đảm cho mình một cuộc sống sung túc, không thua sút bạn bè. Quan điểm này cũng bị ảnh hưởng từ tâm thức xã hội. Nhìn kỹ, ta sẽ thấy những đòi hỏi kia chỉ mang tới những cảm xúc rất tạm bợ qua sự tán thưởng của những người sống bằng hình thức, nhưng nó lại là thứ “mộng tưởng điên đảo” làm phương hại đến tình yêu. Ta tin chắc rằng nếu có tất cả những thứ đó thì đời sống lứa đôi sẽ hạnh phúc hơn, trong khi sự ham thích của ta không dừng còn năng lực người ấy bị ta vắt đến cạn kiệt. Hai tâm hồn vì vậy ngày càng xa nhau. Người ấy vì đam mê mà vẫn cố gắng chiều chuộng ta thì chính họ cũng đang sống trong mộng tưởng. Cả hai đều không cắm rễ vào nền tảng của tình yêu chân thật thì đừng hỏi tại sao chỉ vì bất đồng quan điểm nhau, lỡ gây tổn thương nhau, thậm chí không tiếp tục làm thỏa mãn nhau là ta dễ dàng bỏ nhau.

Cũng có lần thi sĩ Xuân Diệu tự thú nhận: “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá. Chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì”. Tình yêu cũng như một loại cây xanh, nếu ta không biết cách chăm sóc dưỡng nuôi, hoặc thừa hoặc thiếu, thì nó sẽ héo tàn và lụn bại. Cảm xúc thỏa mãn ai mà không thích, nhưng sự thỏa mãn ấy  phải đi liền với trách nhiệm thì ta mới có thể giữ gìn mãi được. Mà nếu “ranh giới cái tôi” được tháo tung để nhường chỗ cho người ấy thật sự thì trách nhiệm dìu dắt nhau đi về hướng thảnh thơi và hạnh phúc chân thật không phải là gánh nặng và miễn cưỡng nữa. Vấn đề là ta có khả năng nới rộng trái tim của mình ra không? Nếu ta còn quá coi trọng vật chất, vướng kẹt danh vọng, đam mê hình thức hấp dẫn mà lại muốn có một tình yêu bền vững thì đó chỉ là tham vọng. Ta phải tự lượng sức. Ta còn quá yêu bản thân mình thì làm sao ta có thể yêu thêm người khác, dù có yêu người khác cũng chỉ để phục vụ cho bản thân mình mà thôi. Còn lỡ như người ấy xem tất cả những phương tiện kia là lý do chính để tình yêu có mặt thì ta biết rằng đó chẳng phải là một nửa ta đi tìm. Song, nếu ta đủ giỏi và bản lĩnh thì ta vẫn đủ sức dẫn dắt mọi đối tượng đi về hướng ta cho là đúng đắn mà không sợ “Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người”. Cho nên tình yêu muôn đời là có thật, bí quyết là ta phải luôn tỉnh táo để nhận ra mình và hiểu được người mình thương.

Yêu như yêu lần đầu
Xin nâng đỡ đời nhau
Bằng con tim hiểu biết
Lo sợ gì thương đau

11/11/11

I'm not ready

(Sưu tầm) - Một người bạn cũ thời học đại học của tôi báo tin, cô vừa kết hôn lần thứ hai, với chính anh chàng người yêu đầu, thời ở giảng đường đại học. Tôi còn nhớ láng máng anh chàng ấy, cao gầy, đi xe máy cũ và mặc áo sơ mi kẻ, vẻ ngoài không có gì nổi bật. Tôi hỏi, đám cưới trước bạn làm đình đám lắm, cỗ ba bốn nơi, từ Hà Nội về đến quê dâu quê rể, thế còn bây giờ, sao không mời nhiều?
Đám cưới mười năm trước của bạn tôi, chú rể là một sếp nho nhỏ trong một công ty kinh doanh, áo cưới đẹp, cỗ đắt tiền ở khách sạn lớn và phòng riêng sang trọng, đó là tất cả những gì tôi biết về người bạn cũ, cho đến khi gặp lại lần này.
Bạn nói, đã trả hết cho nhà anh chồng tất thảy, thậm chí đi ra khỏi cuộc hôn nhân không có gì trong tay, không tiền không con cái, quay trở lại xuất phát điểm ban đầu của hơn mười năm trước. “Nhưng giờ đây tớ rất hạnh phúc!”, và bạn so sánh: “Chồng cũ cho tớ năm mươi triệu thì chỉ bằng cái móng tay của anh ấy, chồng mới chỉ đưa tớ lương tháng năm triệu nhưng đó là tất cả vòng ôm của anh ấy”.
Câu nói ấy làm tôi suy nghĩ mãi. Người đời cứ bảo rằng: “Dùng tiền để thử đàn bà, dùng đàn bà để thử đàn ông”. Nhưng người bạn hạnh phúc với “cuộc hôn nhân năm triệu” lại chứng minh rằng, thực chất, tiền là thước đo rất quan trọng khi ta yêu một người đàn ông. Thấy anh ta cư xử thế nào với tiền, sẽ biết anh ta cư xử thế nào với đàn bà. Và hoàn toàn không phải ai đưa cho bạn nhiều tiền hơn thì sẽ yêu bạn nhiều hơn! Thực sự là không!
1.  Đàn ông tử tế không mượn tiền người yêu
Và cả tiền của bố mẹ anh chị em người yêu, hay họ hàng của người yêu nữa. Hay nhờ vả xin việc hộ, thăm dò của hồi môn, xui bạn gái mượn cái này cái kia về cho mình dùng. Dù thực tế, rất nhiều người đàn ông (và cả phụ nữ nữa) nghĩ rằng, đã yêu thì tiền không thể nào so sánh với tình cảm.
Tình yêu chân chính đáng lẽ sẽ phải được trân trọng hơn bất cứ một khoản tiền nào mới đúng. Nhưng, đó là một điều lý tưởng hóa, là một sự trân trọng có điều kiện. Bởi cho dù bạn thật trân trọng mối quan hệ, không quá quan trọng tiền bạc, bạn vẫn cứ phải sống trong một xã hội mà ông chồng nào đưa hết lương tháng cho vợ là yêu vợ, cô bạn gái nào chia sẻ gánh nặng tài chính với người yêu mới là gái tử tế, thì bạn ráng làm gái tử tế, chứ đừng hỏi tình yêu vì sao đã bị tiền bạc hất lên, nhẹ bỗng trên cán cân tình đời.
Tôi có quen một cô bé, người yêu thường lấy tiền trong ví cô để trả tiền mỗi khi anh mời bạn bè ăn uống, đi chơi, hát Karaoke, mua đồ ăn về nhà nhậu nhẹt, mua bia về cả nhóm nhâm nhi chờ trận bóng đá chung kết. Tiếc là, tiền do cô kiếm ra một mình, còn bạn bè là bạn bè của mình anh mà thôi. Khi kể với tôi, cô bé nói:
- Em không tiếc tiền cho anh ấy. Nhưng em không muốn dùng tiền của em để trả cho những người bạn thiếu liêm sỉ của anh ấy.
Thiếu liêm sỉ nghĩa là, điềm nhiên hưởng thụ trên tiền không phải của họ, cũng không phải của bạn họ.
Thời còn làm việc trong các dự án của một số NGO nước ngoài, tôi được tiếp xúc với rất nhiều những bà vợ ra nước ngoài làm thuê, gửi tiền về Việt Nam cho gia đình. Vất vả không làm họ khóc, nhớ nhà và nhớ chồng con không làm họ khóc, nhưng họ luôn khóc khi nhớ về tiền. Là số tiền mà họ gửi về, mong dự trữ dành cho cuộc sống sau này dễ thở hơn, thì ông chồng ở làng quê Việt Nam thường đem tiêu ngay lập tức, đem cho chị chồng vay, em chồng vay (không hiểu sao, luôn là những họ hàng người thân của… nhà chồng!). Và những người đàn bà lặn lội kiếm tiền đã vật vã khóc không phải vì tiếc tiền, mà họ tiếc công sức và tiếc tình yêu cùng niềm tin.
Rõ ràng, những người phụ nữ ấy đã rơi vào tình huống nguy hiểm: Muốn giữ tình thì phải đưa tiền ra. Còn nếu khư khư giữ tiền, cự tuyệt đòi hỏi, thì sẽ tan vỡ ngay mối quan hệ yêu đương ấy. Và phụ nữ còn bị “kẻ tiêu tiền giùm” trút lên đầu vô số lời mỉa mai, công kích. Như thể, họ mới là người tốt đẹp, còn bạn chỉ là kẻ tầm thường, quá coi nặng tiền bạc, tính toán với ngay cả người yêu, hoặc chồng.
Nhiều khi, chúng ta thường quá nhấn mạnh vào những trường hợp chân dài bám theo đại gia vì tiền, hoặc những trường hợp phi công trẻ cố lái máy bay bà già cũng chỉ vì lợi lộc và vật chất. Định kiến “yêu chỉ vì tiền” ấy đã xóa cái nhìn thiện cảm với họ và giết chết những cơ hội của tình yêu đích thực. Nhưng, chúng ta đã không nhận ra rằng, chẳng cần làm đại gia, chẳng phải là chân dài, chúng ta cũng vẫn đang sống trong một xã hội mà bạn trai – bạn gái, vợ – chồng, bố – mẹ đang rơi vào bi kịch lầm lẫn giữa tiền và tình. Đó là: Mang Tình ra để mặc cả cho Tiền, và mang Tiền ra để đong đếm Tình!
Và chân dài lợi dụng đại gia, hay phi công trẻ dựa tiền người tình già dặn, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, mà chỉ vì chúng ta dễ dàng nhìn thấy họ, nên chúng ta thường đổ dồn vào chỉ trích lên án. Thực chất, phần đông chúng ta đang để cái mớ lùng bùng tình-tiền của cá nhân ta dưới nước mà thôi. Chứ ta chẳng phải là nhờ nghèo hơn, xấu hơn mà không phải đối mặt với những tình nhân đào mỏ hay những bà vợ tham tiền.
Chừng nào xã hội còn sống bằng lý lẽ “của chồng công vợ”, “trọng nghĩa khinh tài” và “tiền anh cũng là của em, tiền em cũng là của anh” thì chừng đó, còn chỗ cho những kẻ vừa lợi dụng được tiền của vợ, vừa lên giọng đòi hỏi dạy dỗ vợ phải biết điều. Và còn chỗ cho những chàng người yêu vay tiền quên trả, xui bạn gái đi nhờ vả họ hàng nhà cô ấy giúp mình. Lại còn nói rằng, thế mới là YÊU!
2. Nói gì với người đàn ông vật chất?
Một lần, có một anh chàng bảnh bao vì hâm mộ mà mời tôi ăn tối. Tôi vẫn ăn mặc giản dị bụi bặm với đôi giày vải, còn anh chàng xuất hiện bóng bẩy với ngoại hình lịch thiệp. Chỉ vì quán ăn ngon cuối tuần quá đông khách, anh chàng đành cùng tôi ngồi chờ gần nửa tiếng ở ngoài cửa quán. Trò chuyện khi đó giúp tôi hiểu ra rằng, anh chàng chọn quán này vì đó là quán quen của anh ta, không thu phí đỗ xe ô tô, luôn có chương trình giảm giá, đồ ăn hợp khẩu vị của anh.
Và vì thế, anh dứt khoát chờ chứ không cùng tôi đi sang quán ăn ngay đối diện. Dù với tôi, cũng chỉ là một bữa tối, tôi chỉ quan tâm tới người sẽ ăn cùng tôi, câu chuyện ta sẽ nói với nhau, còn ngồi đâu ăn gì không quan trọng. Trong khi người đàn ông kia lại quan tâm tới việc, quán nào “hoành tráng” hơn, giá cả hợp lý hơn và rõ ràng, anh ta để ý tới Giá Trị chứ chẳng quan tâm tới Cảm Nhận của tôi.
Bữa ăn bắt đầu một cách tẻ nhạt, bởi trong lúc tránh đám đông len lỏi tìm chỗ ngồi, tôi đã vô ý… đá nhẹ vào chân anh chàng. Và khi ngồi xuống, chờ món, anh ta mồm nói chuyện với tôi nhưng tay luồn xuống gầm bàn lấy giấy ăn kỳ cục lau vết bụi mà tôi đã vô ý quệt vào giầy da bóng loáng của anh ta. Hình ảnh một người đàn ông ngồi trước mặt đàn bà nhưng lại cho tay xuống gầm bàn lén lút làm một cái gì đó, cảm giác thật tệ. Như thể, nửa trên bàn là thể diện ngời ngời đẹp đẽ đàn ông, nửa dưới bàn lại là bản tính và tính khí thật sự của anh ta.
Trong thực tế, có rất nhiều người đàn ông luôn nghĩ rằng, phụ nữ thích đàn ông giàu có hào phóng, nên bản thân họ phải tỏ ra điều đó. Họ sẽ đi đôi giày đắt giá hơn mức chi tiêu mà họ có thể kiếm được, họ sẽ đi làm hai năm chỉ để đổi chiếc xe máy tay ga hoặc đắt tiền hơn. Họ sẽ luôn tặng hoa 8/3 bạn chỉ bởi, số tiền mà họ định dành cho bạn, chỉ mua mỗi… hoa là còn coi được. Nhưng bản chất thật sự của đàn ông sẽ bộc lộ ra dưới gầm bàn, khi bạn không phải người tình chờ họ ở nơi hò hẹn mà bạn chờ họ ở nhà, trong vai một bà vợ!
Nói gì với người đàn ông vật chất, người không áy náy khi tận hưởng cái gì đó của bạn, mặc cả khoản hồi môn, người hỏi vay trăm triệu ngay sau khi yêu nhau ba tháng, lấy cớ là phát triển sự nghiệp cho tương lai cả hai ta sau này?
I am not ready !
Em chưa sẵn sàng. Một câu tiếng Anh ngắn gọn để giảm nhẹ sự trần trụi của lời cự tuyệt.
Em chưa sẵn sàng có tiền trong ví, em chưa có đủ tiền cho dự định của anh, hơn nữa, em chưa sẵn sàng để đầu tư tình yêu và tiền bạc vào người đàn ông như anh. Vì em chưa cảm nhận được trách nhiệm của anh, kế hoạch lâu dài của anh, sự an toàn của anh. Vì anh giống như người có thể quan hệ ngắn ngủi qua đường, không thấy có gì hứa hẹn tương lai lâu dài, ngoài hứa hẹn khoản nợ lâu dài.
I am not ready! Hãy nói rằng, bạn chưa sẵn sàng để ôm lấy một mối nguy cơ tài chính mang hình dáng đàn ông. Bạn cũng không sẵn sàng trở thành chủ nợ, hoặc trở thành môi giới. Cả xã hội luôn mang tình cảm ra để bắt cóc, nhưng nếu bạn mang tiền để chuộc, bạn không chắc sẽ được nhận lại tình cảm, mà có khi, bạn mất cả chì lẫn chài, mất cả tiền, mất cả sự tín nhiệm lẫn người yêu.
Mr. Material/mr. Money không bao giờ trở thành Mr. Right của bạn. Vậy hãy tránh xa những người đàn ông hễ mở miệng là thấy nói đến tiền, nhưng lại là tiền của… bạn hoặc tiền của người khác. Bạn chưa sẵn sàng để bị uy hiếp bằng tình yêu, bạn càng không cần phải mang tiền ra để chứng minh tình yêu của bạn, giá trị của bạn. Chỉ cần yêu thôi là đủ, những điều khác, kể cả hôn nhân lẫn tiền bạc, hãy để nó diễn ra hài hòa và hợp lý, tự nhiên.
Chắc các bạn sẽ hỏi rằng, vậy tôi đã cư xử thế nào với anh chàng bảnh bao trong quán ăn hoành tráng kia? Tôi chẳng làm gì cả, vì tôi không có ý định ăn tiếp những bữa tối tiếp theo với chàng. Người đàn ông vật chất không phải là một thương vụ mà phụ nữ có thể đầu tư lâu dài.
Bởi những giá trị mà chúng ta mang tới cho người đàn ông, đâu phải chỉ mỗi tiền?