googlee5327712a49d4482.html Liễu : Blog Title the same as above

21/9/11

Ngẩng đầu lên đi em

(Sưu tầm) - Tôi không thể đủ lời để diễn tả cái tâm trạng của mình lúc ấy, lúc mà câu nói của Tuấn Anh đột ngột buột ra: “Nga, chúng mình cùng đi thử máu!”.

Tôi giật bắn mình và cảm thấy rất rõ tim mình ngưng đập. Máu tôi ngưng chảy khiến mười đầu ngón tay tôi thoắt trở nên lạnh cóng. Anh đã biết rồi ư? Ai nói cho anh biết hay anh tự phát giác? Không có lẽ.

Đã nhiều lần anh ngỏ ý muốn về thăm quê, nhưng tôi tìm đủ lý do trì hoãn, bởi lo sợ anh biết sự thật về cái quá khứ mà tôi đang cố giấu đi. Vậy thì tại sao anh lại đưa ra cái yêu cầu kia vào đúng lúc này?

Tôi lấm lét nhìn anh. Anh vẫn nhìn tôi bằng đôi mắt ngụt lửa đam mê khiến tôi chợt hiểu rằng, anh vẫn chưa biết gì cả. Anh làm thế chẳng qua là muốn thể hiện lòng tự trọng trước tôi trong thời buổi lắm dịch bệnh rập rình. Nhưng lời đề nghị của anh vô tình đã khiến tôi chết điếng.

Tôi theo anh đến bệnh viện cùng sắc mặt u ám. Thời gian chờ đợi kết quả là những ngày tôi sống trong trạng thái lo sợ phập phồng. Còn anh, vẫn với cái nhìn ấm áp, nụ cười vô tư ánh lên niềm tự tin kiêu hãnh mỗi lúc gặp tôi.

Tôi biết, anh không phải lo sợ cho mẫu máu của mình, bởi tiền sử gia đình anh đều khỏe mạnh; anh là người sống mực thước, có phần nhút nhát. Bạn bè tôi vẫn thường chê anh sống “nhạt”, đàn ông gì mà không rượu bia, không trà, không thuốc. Anh yêu tôi là mối tình đầu, trong sáng. Còn tôi…

Tôi hoang mang đón đợi một kết quả khủng khiếp. Sự thật sắp được vén lên kéo theo một sự đổ vỡ đã nhìn thấy trước.

Đúng hẹn, anh nằng nặc bắt tôi cùng đến bệnh viện. Hai tờ phiếu ghi kết quả được đưa ra. Tôi vồ lấy tờ phiếu của mình dán mắt vào, chầm chậm đọc quét từng chữ. Quả tim tôi thắt bóp từng hồi theo những dòng kết quả. Còn anh, anh chỉ nhìn dòng kết luận cuối cùng trên tờ phiếu của anh rồi reo lên như trẻ nhỏ: “Nga! Em xem này, máu của anh rất tuyệt vời!”.

Tôi đón tờ phiếu của anh và trao cho anh tờ phiếu của tôi. Anh cũng chỉ nhìn qua dòng kết luận rồi hồn nhiên búng ngón tay đánh “choách” giơ lên cao nói giữa chốn đông người: “Máu của em cũng rất tuyệt vời! Chúng mình là một cặp tuyệt vời!”. Anh không để ý đến những ánh mắt khó chịu của những người xung quanh. Anh cũng không biết rằng tôi đã kín đáo quay mặt đi giấu ánh mắt âu lo.

Anh là một chàng trai ngộc nghệch, không đoán được tôi đang nghĩ gì. Anh đưa tôi về quê ra mắt gia đình. Bố mẹ anh rất hài lòng với tôi. Qua thái độ, tôi hiểu cả bố và mẹ anh đã coi tôi như con dâu chính thức. Điều ấy khiến tôi càng buồn hơn.

Đến lúc này thì anh không thể hiểu nổi nữa, gặng hỏi. Tôi chớp mắt nhìn anh. Ánh mắt thấp thoáng hơi nước báo hiệu một uẩn khúc cần được giãi bày. Tôi dè dặt đề nghị, em sẽ kể hết cho anh nghe. Nhưng…

Nhưng kể bằng cách nào đây? Câu chuyện quá khó không thể kể bằng lời. Câu chuyện quá dài không thể kể qua tin nhắn hay điện thoại. Chỉ còn một cách duy nhất… Tôi khẽ khàng đề nghị với anh. Anh tỏ vẻ khổ sở, nhưng không còn cách nào hơn, đành đồng ý và chờ đợi.

Một đêm không ngủ với những câu hỏi bay lửng lơ chờn vờn trước mắt, tôi đã quyết định viết ra sự thật, một sự thật cay đắng gắn với quá khứ của một đứa con gái nhà quê. Hôm sau anh đến, tôi đưa cuốn sổ với những con chữ ướt nhòe cho anh. Anh đón cuốn sổ và buông một câu đùa quen thuộc: “Em lại ấm đầu rồi!”.

Anh! Em đã định giấu mãi mãi chuyện này. Nhưng bây giờ thì em không thể. Khi bố mẹ anh hỏi thăm gia đình em, em đã không dám nói thật. Nhìn vào ánh mắt mong mỏi của bố mẹ anh, về hoàn cảnh nhà anh, em không nỡ... Em không nỡ giấu giếm thêm một ngày nào nữa.

Bố mẹ anh già rồi, các cụ mong mỏi đứa con độc nhất lấy vợ, sinh con. Vì thế bố mẹ đã quá hy vọng vào em, người có thể sinh cho các cụ những đứa cháu khoẻ mạnh. Mà em thì... Nhà anh bốn đời độc đinh. Em đã biết. Em đã biết nên em không thể. Em không thể anh ơi... Em là một đứa con gái dị tật bẩm sinh. Và em rất có thể lại sinh ra những đứa con dị tật…

“Khô...ông! Em nói dối!”.

Anh quăng cuốn sổ lên bàn, nắm vai tôi lắc mạnh. Tôi ngước nhìn anh bằng cặp mắt ướt nhoè:

“Em nói thật!”…

Trước khi đi học, em không phải mang tên Nga như bây giờ. Cả làng Đầm Kênh gọi em là con Ngoẹo. Bố mẹ em thở dài nhìn đứa con gái đầu bẹp vào vai, suốt ngày ngồi thui thủi như một con cóc trong xó cửa. Người làng bảo bố em bị nhiễm chất độc da cam ngày ở Tây Nguyên, nên sau khi sinh em bố mẹ không dám sinh thêm lần nữa.

Đêm đêm mẹ ôm em chặt cứng trong lòng, nước mắt râm ri thấm vào tóc em khét đắng. Bố em buồn bã uống rượu tối ngày. “Tôi có ăn ở ác với ai bao giờ mà trời đầy đọa con tôi?!”, bố gào lên khi đã say mèm rồi lảo đảo ngã dúi vào xó cửa ôm lấy em mà khóc.

Hết viện này viện nọ, các thầy thuốc khám cho em đều kết luận: Nhũn xương cổ. Dị tật di truyền, không chữa được...

“Anh không tin! Em bịa đặt ra chuyện này làm gì? Hay là hôm về quê bố mẹ anh có điều gì không phải với em?”.

“Không, bố mẹ anh tốt lắm! Chính vì bố mẹ rất quí em nên em không nỡ... Vì thế nên em đã quyết định nói rõ sự thật…”.

Hết hy vọng vào bệnh viện, bố em lẳng lặng xách dao ra bờ tre đầu xóm. Một ngày cặm cụi, bố đã thửa được một cái khung. Cái khung như một chiếc lồng, có một chiếc cần nhô cao. Bố úp chiếc khung vào người em, nâng đầu em lên, dùng dây vải vòng qua trán vào chiếc cần. “Chịu khó nghe con!”, bố nói thế trước khi đeo khung cho em mỗi sáng. Chiếc khung ấy đã gò em suốt ngày cứng ngắc đến nỗi em không thể quay đi quay lại. Thế mà, khi bố tháo khung cho em đi ngủ, cổ em lại mềm oặt như một dải khoai...

Anh bàng hoàng buông sổ bước ra khỏi căn phòng trọ như một kẻ mộng du. Tôi nhìn theo bóng anh khuất sau tường hẻm rồi đổ mặt vào gối khóc rung giường.

Tôi đau đớn đến mụ người. Nhưng tôi không dám trách anh. Ba mươi tuổi, sau một quãng đời cật lực học hành, công danh sự nghiệp giờ tạm ổn. Một gia đình với những đứa con đã trở thành nỗi khát khao đối với anh. Bạn bè cùng lứa anh đã con cái đề huề.

Họ hay kể cho anh nghe cái niềm vui thiêng liêng khi nghe tin được làm bố, cái cảm giác tự hào pha hồi hộp khi đưa vợ đi siêu âm, cái cảm giác nín thở mồ hôi ướt đầm quần áo lúc đứng ngoài cửa phòng sinh.

Và khi tiếng oe của đứa bé vừa cất lên, họ đã tung cửa ào vào. Niềm vui chỉ thực sự ngập tràn khi nhìn thấy người vợ nở nụ cười hạnh phúc sau cơn vượt cạn và đứa con khoẻ khoắn đang hu huơ khua những bàn tay bàn chân nhỏ xíu chào đời... Còn anh...Anh sẽ là một ông bố của những đứa con tàn tật...

Suốt mấy ngày liền tôi không thể làm được việc. Đêm nào tôi cũng mơ thấy những đứa trẻ dị dạng, đứa không có bàn tay, đứa không có mũi, đứa không có mắt, đứa lông lá đầy mình, có đứa thì ngoẹo đầu thè chiếc lưỡi đỏ hỏn trong cái miệng không răng cười ngõng nghẽo... Chúng cứ xúm xít nhào vào tôi mà kêu “mẹ mẹ”.

Mỗi lần như thế tôi lại thét lên và choàng dậy, mồ hôi túa lạnh khắp người. Tôi ôm đầu thở dốc thì lại thấy ánh mắt đầy trách móc của anh khoan thẳng vào mình. Sếp trưởng thấy tôi mặt mày ủ dột thì gặng hỏi. Tôi quanh co viện ốm và xin nghỉ. Suốt ngày tôi nằm trân trân nhìn trần nhà, đầu óc rối bời. Đã mấy lần anh gọi nhưng tôi không bắt máy. Không chịu nổi thêm, tôi vùng dậy xách xe lao đi.

Tôi dong xe mông lung ngoài đường. Không biết đi đâu. Đêm, tôi lại đến chiếc ghế đá bên hồ, nơi tôi và anh vẫn thường ngồi. Trăng mùa đông phả xuống mặt hồ gợn lạnh. Một con sâm cầm lạc bạn bơi le te trong rét mướt khiến tôi bất giác rùng mình. Tôi giở tờ hôn thú chưa có chữ ký ra gấp một con thuyền giấy rồi thả nó xuống hồ. Gió đông đẩy con thuyền trôi xa vùn vụt…

Tôi trở về phòng trọ với một mối ưu tư trĩu nặng. Và tôi giật mình nhìn thấy anh ngồi thu lu đợi tôi trước cửa phòng. Anh nhoẻn cười, hàm răng sáng trắng trong ánh đèn khu nhà trọ: “Anh ngu thật! Cổ em cao và thẳng thế, sao có thể dị tật bẩm sinh? Em nói thế để thử thách tình yêu của anh, đúng không?”.

Tôi nhè nhẹ lắc đầu.

Anh lủi thủi bám theo tôi vào phòng. Tôi mệt mỏi không muốn trả lời câu nào cho dù anh vẫn luôn miệng hỏi. Trước thái độ lầm lì của tôi, anh đành ngồi ôm đầu nín lặng. Tôi đẩy cuốn sổ hôm trước đến trước mặt anh cùng ánh mắt trách móc. Sao anh không đọc hết đã, rồi anh quyết định cũng chưa muộn kia mà.

...Em sáu tuổi. Em muốn đi chơi. Nhưng làng vắng. Người lớn đi làm, trẻ con đi học hết. Em đánh liều mang chiếc khung tre trên lưng đứng thập thò ngoài bụi duối nhìn vào lớp học. Em đã nuốt nước bọt khát thèm những tiếng học bài và tiếng hát véo von.

Bỗng có tiếng một đứa hét lên:“Chúng mày ơi nhìn kìa, con Ngoẹo!”. Như một đứa trộm bị bắt quả tang, em giật mình vùng chạy. Nhưng em vấp ngã. Mặt em cày xuống đường. Miệng em cạp đầy đất cát. Em đau đến điếng dại cả người. Em nghe có tiếng bước chân rầm rập đầy đe dọa. Mấy chục đứa trẻ đổ xô đến quây kín quanh em. Sợ hãi và xấu hổ, em bật đứng lên như một con chim nhỏ xù lông thủ thế. Và em đã nhìn thấy một người.

Người ấy rẽ đám học trò ngổ ngáo bước những bước chân liêu xiêu đến cạnh em. Bất ngờ người ấy khựng lại, ngây người, mắt sáng lên kinh ngạc. Rồi người ấy cười. Cái cười rạng rỡ của người vừa phát hiện ra một điều bí ẩn. Đến lúc ấy em mới biết là mình đã đột nhiên ngẩng được đầu.

Nhưng chính khi em ý thức được điều đó thì em lại thấy đầu em nặng như bị cả một bầu trời đè xuống. Và chiếc cổ bấy bớt của em không thể nào trụ nổi. Em đành để mặc cho đầu đổ ập xuống vai như cũ.

Người mà em nhìn thấy lúc ấy là cô giáo Nhâm.

Cô Nhâm cúi xuống nhặt chiếc khung tre bị văng ra lúc em ngã, rồi dắt em về nhà trong nỗi ngạc nhiên của bố. Bố em lúc ấy vẫn đang say, nghe cô Nhâm nói thì mừng rỡ: “Thế à? Con thẳng đầu lên bố xem!”. Em nghiến răng gồng toàn thân hòng bẩy đầu lên khỏi vai. Nhưng đầu em nặng như một trái núi.

Bố em nhìn cô Nhâm ngờ vực: “Cô có nhầm không?”. Cô Nhâm cả quyết: “Ban nãy tôi nhìn thấy rõ ràng em đã ngẩng được đầu mà. Ngẩng đầu lên cho bố xem đi em!”. Mặc lời khích lệ ngọt ngào của cô Nhâm cùng tiếng giục riết róng của bố, em cũng đành bất lực. Em mếu máo chuẩn bị khóc òa thì cô Nhâm đã đỡ lời: “Chắc em nó còn mệt. Để sáng mai anh chị nhắc cháu thử xem”.

Sáng hôm sau bố gọi em dậy sớm. “Thẳng đầu lên con!”. Giọng bố mừng vui khấp khởi. Nhưng những cố gắng kiệt cùng ngày hôm qua đã khiến toàn thân em đau dần dã. Bố em bất thần giật chiếc cọc màn vung cao: “Thẳng đầu lên tao xem!”. Em khiếp đảm trước tiếng gầm và ánh mắt vằn lên của bố. Em lí nhí van xin: “Bố ơi...con đau lắm!”. Mẹ cuống cuồng nhào vào ôm cứng lấy em: “Tôi xin mình! Mình đừng bắt con, tội nghiệp!”. Bố em quăng chiếc cọc màn ra sân, vớ chai rượu tu ừng ực.

Chiều ấy cô Nhâm đến nhà. Cô mang cho em một chiếc bảng và vài viên phấn. Cô vuốt tóc em và nói: “Em giỏi và ngoan lắm!”. Chỉ một câu động viên ấy mà em sung sướng đến lịm người. Câu nói ấy như một khúc nhạc suốt ngày ngân nga trong đầu em.

Từ đó, chiều nào cô Nhâm cũng đến. Bên cô, em thấy mình tự tin lên rất nhiều. Mỗi lúc tập cho em viết, cô giáo ngồi đằng sau đưa cánh tay đỡ đầu cho em và nói: “Ngẩng đầu lên đi em!”. Đến lúc em mắm môi mê mải vẽ những nét chữ vào bảng thì cô Nhâm lại từ từ lỏng tay ra cho đầu em tự vững.

Cứ như thế, đầu em mỗi ngày ngẩng được lâu hơn. Một hôm cô Nhâm vui mừng nói với bố mẹ em: “Cháu đã ngẩng đầu được hai mươi phút rồi! Hằng ngày anh chị nhớ nhắc cháu nhé!”.

Sự thực thì em đã ngẩng được đầu. Nhưng đó là những lúc em mải học cùng cô Nhâm, hoặc có bố mẹ em nhắc nhở. Còn hễ không có ai bên cạnh thì ngẩng đầu lên là một cực hình, nên em lại mặc nó ở trạng thái buông lơi.

Phải nhắc nhở em suốt ngày, bố em đâm bực. Có lần em gắng gượng cất đầu qua bữa cơm, nhưng khi bố vừa đi xuống bếp em liền thở phào và thả phịch đầu để nghỉ. “Bốp!”, cái tát bất ngờ làm em tóa đốm. Em khóc nấc lên nhưng cũng không thể cất đầu lên theo lệnh bố.

Bố em chợt nghĩ ra một cách. Bố chạy ra vườn bẻ một chùm gai bồ kết. “Thẳng đầu lên!”, bố quát và gài chùm gai tua tủa vào vai áo phải của em, nơi mà đầu em luôn luôn đổ xuống. “Mày mà ngoẹo nữa là gai nó đâm mày chết!”.

Dọa xong, bố mẹ đi làm. Em sợ rúm cả người, đứng ngay đơ. Liếc thấy những mũi gai nhọn hoắt nơi vai, em sợ lắm. Nhưng em cũng chỉ gồng được thêm một lúc thì không chịu nổi. Đầu em từ từ... từ từ ngả xuống chùm gai... Em khóc thét hãi hùng nhưng không có ai ở đó. Khi có người chạy đến thì má em đã nhõa máu tươi...

Chiều ấy cô Nhâm nhìn khuôn mặt sưng vù của em kêu lên xa xót: “Trời ơi! Em làm sao thế này?”. Bố em ngồi uống rượu trên phản không nói gì. Mẹ em thì khóc. Rồi cả mẹ, cả cô và em đều khóc. Bất ngờ cô nói: “Nếu anh chị đồng ý, tôi xin được đưa em Ngoẹo về trường. Tôi sẽ tập cho em khỏi bệnh”. Bố em nhìn chân cô ái ngại: “Cô...thế kia...sợ cháu nó làm cô vất vả”. Cô cười buồn: “Anh chị đừng ngại. Có nó tôi cũng thêm vui”.

Mẹ gói ghém đồ đạc đưa em sang trường.

Cuộc đời em thay đổi từ ngày hôm ấy.

Buổi sáng đầu tiên, cô Nhâm gọi em dậy sớm. Cô chải đầu, tết tóc cho em. Rồi cô chống nạng ra vườn ngắt một bông hồng đọng sương gài lên mái đầu bên phải của em. Cô đưa cho em tấm gương. Lần đầu tiên em dám soi gương. Em sung sướng đến mê ly khi nhận ra khuôn mặt của mình. Bông hồng trên tóc khiến em thấy mình đẹp rực rỡ như một nàng công chúa. “Em thấy bông hoa đẹp không?”. “Dạ, đẹp!”. “Em có thích không?”. “Dạ, thích!”. “Thế thì em phải giữ đầu cho thẳng. Nếu em ngoẹo đầu bông hoa này sẽ nát đấy. Em nhớ chưa?”. Em lí nhí: “Em nhớ rồi cô ạ!”.

Rồi cô dắt em lên lớp. “Ê con Ngoẹo!”, tiếng một đứa la lên chói lói. Nhưng cô giáo đã tươi cười: “Các em nhầm rồi! Đây là bạn Nga. Các em nhìn xem, bạn ấy có ngoẹo không nào?”. Mấy chục cặp mắt trẻ thơ dõi vào mặt em chăm chú. Cô giáo thấy em bối rối thì nhắc: “Ngẩng đầu lên đi em!”. Em lấy lại tự tin và ngồi thẳng.

Đóa hồng trên tóc em dìu dịu tỏa hương như một lời nhắc nhở thầm thì. Đầu em ngẩng cao trong niềm kiêu hãnh. Trước mắt em, những chữ cái đang nhảy nhót. Tiếng hát và tiếng cười rộn rã. Em thấy mình châng lâng như sắp sửa bay lên. Em quên mình là đứa trẻ tật nguyền. Em chìm đắm vào tiết học trong niềm hạnh phúc miên man, mãi khi tiếng trống vang lên em mới biết mình đã ngẩng cao đầu suốt buổi. Em lao ra sân chơi cùng bè bạn. Những trò chơi tuổi thơ đã xóa tan mặc cảm tự ti như mây mù lẩn quất trong em.

Mỗi buổi sáng là một bông hoa. Bốn năm trời là bao nhiêu bông hoa cô Nhâm cài lên mái tóc em, em không nhớ nữa. Em chỉ nhớ rằng, khi tiễn em qua đò sang Ba Thá học cấp 2, cô Nhâm đã mỉm cười: “Giờ Nga đã lớn rồi, không cần cài hoa nữa. Nhưng em nhớ, cuộc đời còn nhiều trở ngại lắm, dù trong hoàn cảnh nào thì em cũng phải luôn ngẩng cao đầu!”.

Vâng, em đã ngẩng cao đầu từ bấy đến nay. Người xóm Đầm Kênh đã quên cái tên con Ngoẹo của em. Bạn bè, cơ quan, anh và gia đình anh chỉ biết một cô Nga khỏe mạnh trong hiện tại. Nhưng em phải nói với anh tất cả, bởi cuộc sống trước mắt còn ẩn chứa những hiểm họa bắt chúng ta đối diện. Em đã linh cảm thấy điều đó và quyết định nói trước với anh…...

Tôi tần ngần đứng ở mũi đò. Sông mùa đông nước cạn. Những con sóng miên man xô đuổi vô hồi. Hai mươi mấy năm rồi sông quê vẫn thế. Làng Đầm Kênh cây lá xanh rờn vẫn lấp lay vẫy gọi. Có gì khác đâu, mà sao hôm nay lòng tôi trống rỗng thế này? Chắc đến lúc chết tôi cũng không thể nào quên được vẻ mặt bàng hoàng của anh đêm qua, lúc anh đọc xong cuốn sổ.

Anh vò đầu bứt tai mãi mà không nói được một câu nào ra hồn. Tôi biết trong lòng anh bị một cơn chấn động khủng khiếp nên đã chủ động nói cười, cố tỏ ra mọi chuyện bình thường. Tuấn Anh ạ, em đã quyết định rồi. Chúng mình chỉ có thể coi nhau như bạn tốt. Em không muốn gieo oan trái cho gia đình anh. Anh hãy tìm một người con gái khỏe mạnh….

Khi nghe những câu tôi nói, anh ngồi yên lặng lắng nghe và tỏ ý muộn phiền. Giá lúc đó anh chỉ cần ôm lấy tôi nói một câu giả dối nào đó rồi từ từ rời xa tôi thì tốt biết nhường nào. Đằng này anh không giấu được vẻ mặt dao động thành thực.

Vẻ mặt ấy khiến tôi hiểu rằng, cái lâu đài tình yêu được chúng tôi xây bốn năm nay hóa ra toàn bằng cát không thể trụ được trước một làn sóng nhỏ. Tôi không nhớ đã đẩy anh ra khỏi phòng trọ bằng cách nào, để hôm nay một mình đơn độc về quê với mong muốn được gục vào lòng mẹ khóc như ngày thơ bé.

Mặc dù tôi đã cố sửa soạn một bộ mặt thản nhiên cười nói, nhưng tôi không giấu nổi bố mẹ tôi. Những câu gặng hỏi nhẹ nhàng nhưng da diết đã khiến tôi mấy lần sắp sửa khóc òa để kể hết ra sự thực. Nhưng… không thể được! Không, không nên khơi lại nỗi đau đã ngủ quên trong lòng bố. Nỗi niềm này tôi chỉ có thể chia sẻ được với một người…

Tôi tránh đi đường làng, lột dép đi tắt bãi ngô. Đất phù sa thấm bàn chân tôi mát lạnh.

Trường làng đã ngả rêu phong. Những tán xà cừ xanh thẫm trong chiều tắt nắng. Lớp học tan rồi, ghế bàn im ắng. Phòng học này tôi đã từng ngồi nghe cô Nhâm giảng bài, đã từng múa hát và đắm chìm trong cổ tích. Cô Nhâm có một kho cổ tích dành cho cả lớp, nhưng có một câu chuyện cô Nhâm chỉ kể riêng cho bé Nga.

Trong một lần đứng đếm bom nổ chậm trên đèo Quắc, một mảnh đạn đã chém vèo vào chân cô thanh niên xung phong vừa tròn hai mươi tuổi. Bậc thềm này cô Nhâm vẫn gác đôi nạng gỗ ngồi lặng lẽ dõi đôi mắt mênh mang ngắm lũ trẻ chơi đùa. Chốc chốc cô lại gật gật đầu, miệng lẩm nhẩm đếm từng đứa trẻ trong sân. Đã có lần bé Nga ôm cô Nhâm ngây thơ hỏi: “Cô ơi, cô đếm gì mà nhiều thế?”. Cô Nhâm giật mình cười lúng túng: “À, cô đếm... tiếng cười!”.

Sau lớp học vẫn một khu nhà nhỏ. Vườn hoa đủ màu rợn sóng trong gió đông heo hắt. Tiếng nạng khua cô độc trong phòng. Chính tại căn phòng này năm xưa bé Nga đã từng thổn thức khi nghe câu chuyện một người con gái từ chiến trường trở về.

Bị cắt một chân. Người yêu đi lấy vợ. Cánh cửa tương lai đóng sập trước mắt. Đau đớn đến đổ quị, nhưng rồi cô gái đã gượng dậy. Cũng chính căn phòng này, bé Nga đã chứng kiến một người đàn ông mặt mày rầu rĩ từ thành phố tìm về.

Đứa bé tám tuổi lúc ấy chưa hiểu nổi chuyện đời, đã bưng miệng khúc khích cười khi thấy người đàn ông quì xuống ôm chân cô Nhâm nói những lời sám hối. Cô Nhâm cúi nhìn người đàn ông nghiêm giọng: “Anh đừng quì như thế, con gái tôi nó cười cho kìa!”. Người đàn ông nhìn đứa bé có đóa hoa trên tóc ngỡ ngàng: “Không! Nó không phải là con em!” Cô Nhâm mím môi trỏ chiếc nạng ra sân: “Anh đi đi!”.

Nhưng khi bóng người đàn ông sắp khuất sau rặng cúc tần xanh lá, hai chiếc nạng gỗ lại run run, đôi chân thương tật cơ hồ chao đảo. Cô Nhâm ôm vội đứa bé vào lòng làm điểm tựa, mắt đỏ hoe xoa đầu nó nói vội vàng: “Ngẩng đầu lên đi em!”...

“Ngẩng đầu lên đi em!”, câu nói ấy đã gieo vào lòng tôi một sức mạnh vô biên, giúp tôi vượt qua bao trở ngại đường đời nhưng không vượt qua được sóng gió tình yêu. Tôi biết tôi sẽ gục ngã nếu tôi mất anh.

“Em đã cho anh ấy biết sự thật. Em có sai lầm không hở cô?”.

Cô Nhâm không trả lời câu hỏi của tôi. Cô vuốt tóc tôi nhè nhẹ, cất giọng bùi ngùi:

“Nếu yêu em thực lòng, Tuấn Anh sẽ về đây tìm em”.

Nhưng một ngày...hai ngày… Tuấn Anh đã không về Đầm Kênh tìm tôi. Mắt tôi hết ướt lại khô. Hết một tuần, cô Nhâm cũng đành cay đắng:

“Em phải tiếp tục đi làm. Khóc lóc không cứu vãn được gì đâu!”.

Cô Nhâm chống nạng đưa tôi ra tận bến đò. Những vết nạng cắm vào bờ sông sâu hút. Con đò chòng chành rời bến. Gió sông thổi lộng. Tóc cô trò sổ tung, sợi xanh sợi bạc vương nhau. Sóng cồn cào. Tôi đã tự nhủ là mình sẽ không khóc nữa, vậy mà khi đò vừa cập bến, tôi lại gục đầu vào vai cô Nhâm nấc lên. Cô Nhâm chớp mắt thật nhanh rồi cất giọng nhẹ nhàng, rành rọt:

“Ngẩng đầu lên đi em!”.

Tôi từ từ ngẩng lên, bước những bước dứt khoát lên bờ nhằm hướng bến xe dấn bước…

18/9/11

Đàn ông Hành tây

(Sưu tầm) - “Đàn ông như củ Hành Tây, nếu muốn biết được lớp bên trong như thế nào, bạn phải bóc từng lớp từng lớp một. Cứ mỗi lần bóc như thế, lại khiến bạn phải chảy nước mắt. Và sau bao nhiêu nước mắt, đến lớp vỏ cuối cùng bạn mới phát hiện thì ra hành tây không hề có trái tim…”


Cặm cụi bóc vỏ

“Tôi và mối tình đầu quen nhau từ khi học đại học. Tôi của thời đó, tạm gọi là “nàng Mặt Trời” bắt đầu chú ý đến anh – chàng trai “bóng râm”. Ban đầu là tò mò, cộng thêm một chút hoang tưởng về khả năng cứu vớt một anh chàng ra khỏi cuộc sống u ám. Tôi chủ động làm quen anh. 

Sau này anh mới tâm sự về hoàn cảnh gia đình với một người bố nát rượu và một người mẹ nhẫn nhịn mãi thành bệnh tâm lý, xem thằng con trai duy nhất là lẽ sống. Càng nghe, tôi càng thương và muốn bù đắp sự thiếu thốn tình cảm cho anh. 

Ra trường chúng tôi được nhận vào một công ty nhờ sự quen biết của ba tôi. Anh tự ái, không muốn người khác biết mình có chỗ làm nhờ “ba vợ” nên yêu cầu tôi giữ bí mật chuyện chúng tôi là một đôi. Rồi khi tôi nhắc khéo chuyện cưới xin thì anh viện đủ lý do để trì hoãn. 

Trong  thời gian “suy nghĩ” đó, anh chủ động theo đuổi con gái của sếp tổng với những “thủ đoạn” mà nếu không tận mắt thấy tôi cũng không tin anh người yêu “dùi đục” của tôi có thể làm. Một cái tát cuối cùng dành cho 5 năm tuổi xuân của tôi: Trước ngày cưới, anh ta nói, “Em mãi mãi là người con gái mà anh yêu nhất, nhưng anh phải chọn cô ấy vì tương lai của chúng ta…”. 

Tóm lại, anh ta yêu cầu tôi nghỉ việc để tránh làm cả hai khó xử và nhân tiện, làm tình nhân trong bóng tối – hay đúng hơn là làm bạn tình không hơn không kém! Tôi không khóc trước mặt anh ta, cũng không khóc nhiều như mình từng tưởng tượng. Có chăng, tôi chỉ tiếc cái công bóc “vỏ hành”. (Mai, nhân viên PR)

Đàn ông Hành Tây thường có rất nhiều lớp vỏ mà phụ nữ thường lầm chúng là biểu hiện của sự “sâu sắc” và “nội tâm phong phú”. Đó là ảo tưởng kiểu tiểu thuyết: Rằng một người đàn ông càng xấu xa lạnh lùng bao nhiêu, khi đã yêu càng ngọt ngào chung thủy bấy nhiêu. Để rồi đàn ông càng hư, phụ nữ càng bị thu hút vào và mơ sẽ cải hóa “hành tây” thành một người đàn ông đáng yêu.


Bóc hết một lớp, họ không hài lòng với những gì tìm được nhưng vẫn mang hi vọng để bóc tiếp lớp sau. Rốt cuộc lại, cóc vẫn chỉ là cóc, hành tây cũng chỉ là hành tây. Dù các nàng cay mắt thật đấy, biết mình đang đâm đầu vào ngõ cụt thật đấy nhưng vẫn cố, thực ra thì cố chấp nhiều hơn là vì yêu.

Hành tây làm gì có hình trái tim

“Sếp tôi: Thông minh, tham vọng, phong độ. Vợ sếp: Già và béo, quê mùa và xấu nết, bủn xỉn và luôn quản lý chồng. Khi tôi trở thành thư kí của sếp, dường như tôi bị lôi vào cuộc sống gia đình họ khi vợ thì luôn gọi tôi để kiểm soát chồng (nhân tiện dằn mặt tôi) còn chồng thì thường xuyên mời tôi đi cà phê để tâm sự chuyện chán vợ. 

Trong một chuyến công tác xa, sếp uống say và mượn rượu tỏ tình với tôi, rằng anh ấy thật khốn khổ trong hôn nhân của mình, rằng vì sao tôi không phải là vợ anh ấy. Ma xui quỷ khiến, tôi chấp nhận ở lại phòng anh ấy qua đêm đó. Sáng hôm sau, sếp tỉnh dậy và dường như rất bối rối trước tình cảnh mà hai chúng tôi gây ra. Anh ấy bảo rằng, người say không thể kiểm soát hành động của mình và hàm ý trách tôi không biết kiềm chế. 


Tưởng rằng sau cái gọi là tình một đêm, tôi có thể để vết thương ngủ yên. Nhưng thỉnh thoảng khi có dịp, anh ta vẫn lôi tôi vào nhà nghỉ. Rồi khi xong chuyện lại nhanh chóng ra về mà chẳng thèm mời tôi đi ăn một bữa. Tôi, yêu anh ta. Anh ta, vồ vập tôi rồi lại nhìn như muốn trút hết mọi tội lỗi lên tôi. Tôi không phải tình nhân của anh ta, vì anh ta chẳng bao giờ hứa hẹn hay đối xử ngọt ngào với tôi. Tôi chỉ là một thư ký, giúp việc anh ta ở công ty và cả ở trên giường. 


Rồi một ngày, vợ anh ta phát hiện ra chồng mình có bồ. Anh ta thú nhận tất cả với vợ, rằng tôi dụ dỗ anh ta, rằng anh ta chỉ thấy tôi dễ dãi nên không thể kiềm chế… Sau đó là một trận đánh ghen, mà dư vị nhục nhã của nó đủ để tôi nhớ suốt đời. Và lần cuối cùng tôi khóc, là khi tôi biết được lúc đó anh ta đang cặp kè với một cô gái khác nữa, và vì bảo vệ cô ta nên tôi bị đem ra chịu trận. (Quỳnh 28 tuổi)

Đàn ông Hành Tây thực ra không có trái tim. Và nếu có, trái tim ấy cũng chẳng có chỗ cho bạn. Nhưng sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới nhận ra anh ra hoàn toàn không xứng đáng với tình cảm của bạn. Đàn ông hành tây sẽ làm bạn rơi nước mắt. Nhưng bạn lại nghĩ rằng đó là cái giá (dĩ nhiên) phải trả để có được hạnh phúc. Đến khi nhận ra thứ làm bạn rơi nước mắt – chính là bản chất của anh ta thì đã muộn.

Dấu hiệu nhận biết một gã họ “Hành”

Anh ta làm bạn tự ti hơn trong tình yêu. Bạn ước gì mình xinh hơn, thông minh hơn, giàu có hơn, để xứng đáng với anh ta.

Anh ta bảo rằng bạn bỏ ra chưa đủ nhiều để có được một tình yêu như ý muốn, rằng bạn phải biết hi sinh nhiều hơn nữa.

Bạn không cảm nhận được hạnh phúc khi được yêu, thay vào đó, bạn thấy buồn và muốn khóc.

Bạn là người chủ động nắm tay anh ta khi đi trên đường, chủ động mua quà tặng anh ta, chủ động thúc giục anh ta bàn chuyện cưới xin với gia đình.

Anh ta nói rằng anh ta yêu bạn, nhưng không chứng mình điều đó.

Anh ta xếp thứ tự ưu tiên của bạn phía dưới gia đình, công việc, bạn bè và chính bản thân anh ta.

Anh ta chỉ đối xử tốt với bạn khi bạn chuẩn bị rời xa anh ta.

Anh ta không có ý định bảo vệ bạn, đem lại cho bạn sự bình an và ổn định.

Anh ta không thực sự nghe bạn nói, anh ta muốn bạn nghe và làm theo những gì anh ta nói.

Bạn nhận ra mình không hề hiểu anh ta, vì anh ta không cho bạn cơ hội để hiểu.

“Độc chiêu: cắt hành không cay mắt”

Để cắt hành mà không chảy nước mắt, chỉ cần bỏ hành vào tủ lạnh. Để đối phó với một anh chàng Hành Tây, bạn cũng có thể làm theo cách này. Thay vì cảm thấy tổn thương về sự lạnh lùng của anh ta, bạn chỉ cần đáp trả đúng cách anh ta đối xử với bạn. Nếu anh ta cảm thấy khó chịu và phàn nàn, đó là dịp để bạn “đào tạo” lại củ hành này. Ngược lại, coi như bạn đã không tốn nhiều nước mắt để tống tiễn mối quan hệ này!

Bạn càng nóng lòng lột vỏ hành, nó càng cứng đầu và làm bạn càng cay mắt. Vì vậy, đừng quá vồ vập một anh chàng Hành Tây dù bạn có yêu anh ta đến đâu. Càng chậm rãi và bình tĩnh, anh ta càng tự tách vỏ, có khi chẳng cần bạn bóc!

Bạn không nhất thiết phải lột vỏ bằng tay, hãy để máy xay sinh tố làm điều đó. Chẳng cần nếm đau thương làm gì, hãy thấy nếu người đàn ông không thể đem lại cho vợ/ người yêu cũ của anh ta hạnh phúc, thì bạn cũng đừng hi vọng rằng mình là ngoại lệ!

Chấp nhận rằng, củ hành sẽ mãi mãi là củ hành. Khi bạn đã cố gắng hết sức mà vẫn không nhận lại được những gì mình mong muốn, hãy học cách bỏ cuộc. Vì anh ta là Hành Tây chứ không phải bạn chưa tốt.

14/9/11

Yêu thật lòng

(Sưu tầm) - Gã nhìn bàn tay vợ gân guốc, sần sùi gói nem thoăn thoắt mà thương đến nao lòng. Vợ gã nhặt nhạnh từng đồng từ việc gói nem thuê, đánh máy thuê và làm gia sư cho bọn trẻ...

Gã ngẫm đời thật lạ, tình yêu là cái gì mà nó quay gã như chong chóng đến mức gã cũng không nhận ra mình. Bố mẹ gã đều là đại gia nên chẳng cần nói cũng biết gã sướng cỡ nào. Giá trị cái ô tô của gã bằng cả căn hộ của người ta. Gã chẳng cần học nhiều cũng có bằng cấp, chẳng phấn đấu cũng có chức Giám đốc công ty xuất nhập khẩu ô tô.
Ngay từ ngày gã mới 16, 17, còn mặc đồng phục nhà trường, gã đã khét tiếng ăn chơi. Gã thuê hẳn một căn hộ cao cấp trả tiền trước cả năm để những lúc thích dạt nhà, hoặc cho đám bạn dạt nhà tá túc. Có lúc căn hộ của gã chứa gần chục đứa cả trai lẫn gái, ăn chơi đập phá mấy ngày liền. Gã lắm bạn gái, thấy đứa con gái nào xinh xinh là lao vào tán, nhưng vốn được nuông chiều nên gã không đủ kiên nhẫn cũng như không biết cách chiều các tiểu thư xinh đẹp. Các cuộc tình cứ trôi tuột tầm tay.

Hôm ấy trời mưa, gã lại vừa chia tay cô người yêu xinh đẹp nên chán đời nằm khểnh ở nhà. Chợt gã thấy một cô gái lạ đang dọn dẹp phòng khách, hỏi ra thì cô là con bác giúp việc nhà gã. Cô gái nói: “Mẹ em ngã bị bong gân ở chân nên không đi làm được. Em đến làm thay mẹ em. Em xin phép bà chủ chỉ đến vào buổi chiều, sáng em phải đi học. Nếu anh đồng ý ăn cơm trưa vào lúc mười hai rưỡi thì em sẽ làm cơm cho anh, còn sớm hơn thì không được, anh đành phải tự lo”.

Gã thì cần gì cơm với nước, có lúc cả tuần gã không ăn cơm nhà buổi nào, ấy vậy mà lời dịu dàng của cô gái giúp việc lại làm cho gã thích thú chuyện cơm nước. Gã gật gù bảo: “Được, từ mai em nấu cho anh bữa trưa, ăn gì cũng được”. Gã ngồi trong phòng nhưng để cửa mở hé, quan sát cô gái qua cửa kính. Gã chưa nhìn ai làm việc bao giờ nên nhìn cô gái làm việc gã thấy hay hay, tò mò.
Cô thật nhanh nhẹn và cũng thật nhẹ nhàng, cô lau chùi kỹ lưỡng, tỉ mỉ, im lặng như một cái bóng, như cô Tấm... Gã thấy những giọt mồ hôi bết những sợi tóc mai của cô gái, gã liền đi bật điều hòa, nhưng gã vừa quay đi thì cô lại tắt, bảo: “Em không nóng, bật thế tốn điện chết”. Gã muốn kêu trời.

Ngày thứ hai, gã về nhà thì thấy cô gái giúp việc vừa nấu cơm vừa chuyện trò với bé Ly, con chị gái gã. Qua cánh cửa hé mở, gã nghe hai cô cháu trò chuyện vui vẻ. Giọng cô gái thật dịu dàng, ấm áp, chuyện cô kể thật dí dỏm, đáng yêu đến mức ngồi trong phòng mà gã suýt bật cười sằng sặc. Con bé Ly mọi khi ghê gớm, hay nhõng nhẽo là thế mà hôm nay cứ cười khanh khách, còn ăn bát cơm đầy ngon lành. Khi mẹ đến đón về nó còn mè nheo hẹn: “Mai cô lại đón cháu nhé”.

Gã không nói chuyện với cô gái giúp việc, cô cũng không chuyện trò với gã, nhưng qua cánh cửa khép hờ, gã như bị thôi miên nhìn cô làm việc mà ngơ ngẩn. Gã thấy sao mà bình yên đến thế. Cái cảm giác ấm áp, thân thương cứ cồn lên làm trái tim gã rạo rực.

Thế rồi gã lại thấy bác giúp việc đến làm, tự nhiên gã buồn lặng. Mấy ngày liền gã như người mất hồn. Tối, gã đến nhà bác giúp việc, gã bảo: “Ở nhà một mình cháu thấy chán lắm”. Bác giúp việc ngoài việc dọn dẹp, cơm nước cho nhà gã theo giờ, tối về bác lại làm thêm việc dán phong bì. Thế là thỉnh thoảng gã lại chán ở nhà đến dán phong bì với nhà bác giúp việc.

Chuyện gã mê cô con gái bác giúp việc đến tai mẹ gã không khác gì động đất, sóng thần. Mẹ gã lồng lộn đuổi bác giúp việc. Mẹ gã bảo gã phải tránh xa đồ khố rách áo ôm đào mỏ ấy ngay. Bà bảo: “Mày mà không xu dính túi xem nó có yêu mày không, có lấy mày không”.

Gã tự ái quá. Lẽ nào gã không đáng được yêu. Thế là gã ôm mấy bộ quần áo đến ở trọ gần nhà cô gái, ban ngày sang nhà cô dán phong bì, tối đến gã đi đánh đàn thuê cho nhà hàng kiếm sống. Bác giúp việc lo cho gã từ nhỏ nên chẳng nỡ để gã đói khát, bữa nào cũng nấu cơm phần gã. Gã nhăn nhở bảo: “U phải lo cho con cả đời đấy”.

Trời phải chịu đất, gã bỏ nhà đi được một năm thì mẹ gã phải mang tráp đến nhà bác giúp việc ăn hỏi. Vợ gã thật khái tính, nhất định đòi tự lập, không cho gã nhận tiền của bố mẹ. Gã muốn kêu trời: “Sướng không biết đường sướng” nhưng vợ gã bảo: “Anh phải tự kiếm sống thì anh mới biết quý đồng tiền, sau này anh mới dậy được con nên người”. Thế mà gã cũng nghe. Gã còn nghe vợ xin vào làm việc cho công ty Nhà nước lương ba cọc ba đồng, tối về vẫn phải đi đánh đàn thuê mới đủ sống.

Ấy thế mà tối về nhà nằm lăn ra giường nghe vợ ríu rít bên cạnh, con bò lổm ngổm trên người gã lại thấy vui thật là vui. Lạ thế. Hình như khi yêu thật lòng thì cái gì cũng vượt qua được.