googlee5327712a49d4482.html Liễu : Blog Title the same as above

22/6/11

Những giả thuyết ngây thơ

(Alan Phan) - Các nhà đầu tư thế giới thường nghĩ về Việt Nam như một quốc gia trẻ trung, đang lên và chứa nhiều tiềm năng nhất trong số các thị trường mới nổi. Họ ấn tượng với con số tăng trưởng về dân số, về sự kiện là 58% người VN dưới tuổi 25, và theo nhãn quan của người Âu Mỹ, đây là phân khúc sáng tạo và cầu tiến nhất của bất cứ xã hội nào. Họ tìm đến VN mong những đột phá kỳ diệu và một vận hành năng động kiểu thung lũng Silicon (trung tâm IT của Mỹ ở phía nam San Francisco). Sau vài năm tung tiền mua tiềm năng và cơ hội, họ thường thất vọng và âm thầm bỏ đi. Tại sao?


Họ đã không lầm về những số liệu tạo nên hình ảnh đó. Tuy nhiên, sự phân tích và biện giải về logic của họ vướng phải vài giả thuyết và tiền đề không chính xác. Một người có số tuổi còn trẻ không có nghĩa là sự suy nghĩ và vận hành của người đó cũng phải trẻ trung như số tuổi, nhất là khi họ lớn lên trong một xã hội khép kín, ít tiếp xúc với thế giới.

Tôi còn nhớ một đai gia IT nổi tiếng cũng đã từng kết luân trong một buổi hội thảo về kinh tế là số người sử dụng điện thoại di động ở VN đã tăng trưởng ấn tượng 36% mỗi năm trong 5 năm qua và lên đến 68 triệu người hay khoảng 80% dân số. Kết luận của anh chuyên gia trẻ này là tương lai về công nghệ thông tin của VN phải sáng ngời và sẽ vượt trội các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines...

Đây là những kết luận ngây thơ về thực tại của xã hội. Một người trẻ suốt ngày la cà quán cà phê hay quán nhậu sẽ không đóng góp gì về sáng tạo hay năng động; cũng như vài ba anh chị nông dân với điện thoai cầm tay không thay đổi gì về cục diện của nông thôn ngày nay (nông dân vẫn chiếm đến 64% của dân số xứ này).

Tôi thích câu nói (không biết của ai): Tất cả bắt đầu bằng suy nghĩ (tư duy). Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động liên tục biến thành thói quen và thói quen tạo nên định mệnh. Định mệnh của cá nhân phát sinh từ tư duy cá nhân, định mệnh tập thể đúc kết bởi suy nghĩ của tập thể.

Tư duy, thói quen và định mệnh


Quên đi góc nhìn cá nhân, hãy tự suy nghĩ về tư duy thời thượng của xã hội này và từ đó, ta có thể nhận thức được những hành xử và thói quen của người dân VN. Bắt đầu từ tầng cấp lãnh đạo về kinh tế, giáo dục và xã hội đến lớp người dân kém may mắn đang bị cơn lũ của thời thế cuốn trôi; tôi không nghĩ là một ai có thể lạc quan và thỏa mãn với sự khám phá.

Những thói quen xấu về chụp giựt, tham lam, mánh mung, dối trá, liều lĩnh, sĩ diện... vẫn nhiều gấp chục lần các hành xử đạo đức, cẩn trọng, trách nhiệm, danh dự và hy sinh. Dĩ nhiên, đây là một nhận định chủ quan, sau một lục lọi rất phiến diện trên báo chí, truyền hình và diễn đàn Internet. Nhưng tôi nghĩ là rất nhiều người VN sẽ đồng ý với nhận định này.

Tôi nghĩ lý do chính yếu của những thói quen tệ hại này là bắt nguồn từ một tư duy già cỗi, nông cạn và nhiều mặc cảm. Tôi có cảm giác là ngay cả những bạn trẻ doanh nhân và sinh viên mà tôi thường tiếp xúc vẫn còn sống trong một thời đại cách đây 100 năm, dưới thời Pháp thuộc. Thực tình, nhiều bậc trí giả đã lo ngại là so với thời cũ, chúng ta đã đi thụt lùi về đạo đức xã hội và hành xử văn minh.

Tôi thường khuyên các bạn trẻ hãy đọc lại những tiểu thuyết của thời Pháp thuộc trước 1945. Họ sẽ thấy đời sống và các vấn nạn của một nông dân trong truyện của Sơn Nam vẫn không khác gì mấy so với một nông dân qua lời kể của Nguyễn Ngọc Tư. Bâng khuâng và thách thức của những gia đình trung lưu qua các câu chuyên của Khái Hưng rất gần gũi với những mẫu chuyện ngắn của nhiều tác giả trẻ hiện nay. Ngay cả những tên trọc phú, cơ hội và láu lỉnh trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cũng mang đậm nét hình ảnh của những Xuân Tóc Đỏ ngày nay trong xã hội.

Ôm lấy quá khứ ở thế kỷ 21

Tóm lại, tôi có cảm tưởng chúng ta vẫn sống và vẫn tranh đấu, suy nghĩ trong môi trường cả 100 năm trước. Những mặc cảm thua kém với các ông chủ da trắng vẫn ám ảnh các bạn trẻ ngày nay. Trong lãnh vực kinh doanh, phần lớn các doanh nhân vẫn cho rằng bất động sản và khoáng sản là căn bản của mọi tài sản. Sản xuất gia công và chế biến nông sản vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Một doanh nhân Trung Quốc đã mỉa mai với tôi khi đến thăm một khu công nghiệp của VN, "Họ đang cố học và làm những gì chúng tôi đang muốn quên".

Tôi đang ở tuổi 66. May mắn cho tôi, nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi khác hẳn thời Pháp thuộc. Tôi không cần phải dùng tay chân để lao động, cạnh tranh với tuổi trẻ. Kinh doanh bây giờ đòi hỏi một sáng tạo chỉ đến từ trí tuệ và tư duy đổi mới. Thân thể tôi dù bị hao mòn (xương khớp lỏng lẻo, tai mắt nhấp nhem..). nhưng trí óc tôi và tinh thần vẫn trẻ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, nó không bị phân tâm bởi những hóc môn (hormones) về đàn bà hay những thứ lăng nhăng khác như các bạn trẻ. Do đó, hiệu năng và công suất của sự suy nghĩ trở nên bén nhậy hơn.

Người Mỹ có câu, "Những con chó già không bao giờ thay đổi" (old dogs never change). Do đó, tôi thường không thích trò chuyện với những người trên 40, nhất là những đại trí giả. Nhưng tôi thất vọng vô cùng khi về lại VN và gặp toàn những ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: Nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế. Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lập đi lập lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm. Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt.

Nhiều người đỗ lỗi cho những thế hệ trứơc và văn hóa gia đình đã kềm kẹp và làm cho thế hệ trẻ này hay ỷ lại và hư hỏng. Cha mẹ vẫn giữ thói quen sắp đặt và quyết định cho các con đã trưởng thành (ngay khi chúng vào tuổi 30, 40..) về những cuộc hôn nhân, công việc làm, ngay cả nhà cửa và cách sinh họat. Hậu quả là một thế hệ đáng lẽ phải tự lập và lo tạo tương lai cho mình theo ý thích lại cúi đầu nghe và làm theo những tư duy đã lỗi thời và tụt hậu.

Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ VN đang lần mò trong bóng tối của quá khứ. Tôi tự hỏi, sao quê hương mình ... già nua nhanh như vậy? Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá bóng của Châu Âu? Tôi nhìn vào những nghèo khó của dân mình so với láng giềng chỉ là một tình trạng tạm thời. Nhưng tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ sẽ giữ chân VN thêm nhiều thập niên nữa. Cái bẫy thu nhập trung bình to lớn và khó khăn hơn mọi ước tính.


T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

13/6/11

Định tâm

(Minh Niệm) - Chỉ khi nào tâm yên định thì ta mới có thể quan sát lâu bền và thấu đáo mọi cấu trúc phiền não, để từ đó ta biết mình nên làm gì và không nên làm gì để chuyển hóa chúng

NHÌN RÕ THỰC TẠI

Tâm ta thường giống như con khỉ, hết chuyền từ cành này đến cành khác mà không bao giờ chịu đứng yên. Dù biết rằng tâm là để cảm nhận, suy tưởng, hiểu biết, thể hiện tình cảm, hay quyết định, nhưng nó không phải là một cỗ máy để cho ra số lượng sản phẩm càng nhiều càng tốt. Một hạn chế của con người là thường không biết nên để tâm lên đối tương nào và ở mức độ bao nhiêu là vừa đủ. Đủ, không chỉ để giải quyết được vấn đề, mà phải tương ứng với nguồ nằng lượng dự trữ ta đang có. Bởi vì ta còn phải chi tiêu năng lượng cho những vấn đề quan trọng khác nữa. Cho nên không suy nghĩ cũng là một trạng  thái rất quan trọng và cần thiết, có thể giúp tâm quân bình và sâu sắc. Bởi nhiều khi suy nghĩ chỉ đốt cháy năng lượng, khiến ta  thêm căng thẳng rồi nhận thức lệch lạc mà không giải quyết được vấn đề gì cả.

Triết gia Descartes đã có lần phát biểu “ Tôi suy nghĩ, vì thế tôi đang tồn tại”. Nhiều người cũng đồng quan điểm này. Họ căn cứ vào dòng suy nghĩ để thấy được sự tồn tại của mình. Nghĩa là con người phải luôn suy nghĩ, vì nếu không suy nghĩ thì đó không còn là một thực tại sống động nữa. Cũng như những người già thường hay kiếm việc gì đó làm để thấy mình đang tồn tại, thấy mình không phải bất tài vô dụng trong mắt con cháu. Thực ra họ chỉ cần ngồi yên đó, cứ mỉm cười vui vẻ với con cháu , hoặc luôn thể hiện năng lượng bình  yên thì đủ chứng tỏ họ đang tồn tại rồi. Và đó mới chính là sự tồn tại đích thực. Cũng vậy, khi nhìn một đóa hoa, đâu cần suy tư thì ta mới cảm nhận được sự có mặt mầu nhiệm của nó. Đôi khi chính những dòng suy tưởng mông lung đã kéo ta ra khỏi thực tại, làm cho ta biến mất và thực tại cũng biến mất. Ta chỉ có xác mà không có hồn, thì đâu thể nào gọi đó là sự tồn tại.

Khi nhìn đóa hoa mà không suy tưởng, không bị tương lai  hay quá khứ  kéo đi, chỉ thấy rõ đây là một đóa hoa đang nở trong buổi sang hôm nay thì đó là trạng thái định tâm. Định tâm tức là tâm đang đứng yên trong thực tại, có thể nhận biết rõ những gì đang xảy ra trong ta và chung quang ta. Nếu ta duy trì khả năng chuyên chú trên một đối tượng nào đó ta chọn lựa trong thực tại, với một thời gian đủ lâu mà không có bất cứ ý niệm nào kéo đi thì ta sẽ có được định lực, tức là sức mạnh của tâm chuyên chú. Trước nay ta vốn quen nhìn mọi thứ chỉ trong thoáng qua mà lại tưởng mình đã biết hết rồi, trong khi mỗi đối tượng đều luôn không ngừng vận động và biến hóa. Tâm chuyên chú mạnh mẽ sẽ có khả năng phát ra năng lượng chiếu sang lên đối tượng, nên càng nhìn ta sẽ càng nhận rõ được cấu trúc hoạt động hay bản chất thật của nó.

Đời sống luôn có vô số hấp lực, nên rất dễ kéo tâm ta chạy lang thang suốt ngày ở bên ngoài. Đến khi lên bàn ăn, giường ngủ, ta vẫn tiếp tục để nó chìm nổi trong những dự án kế hoạch, hay miên man những hình ảnh ngọt ngào của quá khứ. Theo thời gian, ta dần đánh mất thói quen nghỉ ngơi  hay để chuyên chú vào một đối tượng, trái lại ta còn cho rằng càng nghí ra được nhiều ý tưởng mang lại lợi nhuận thì càng tài giỏi. Làm như thế con người sinh ra chỉ làm việc để kiếm tiền. Thế nên chậu kiểng trước nhà bị khô héo đã lâu ta cũng không thấy, chiếc áo đã đứt nút mà ta cũng không hay, trong nhà có bao nhiêu người đang có mặt ta cũng không rõ, ta đứng đây để làm gì hay có hẹn với ai hôm nay ta cũng không nhớ. Thật tệ! Ta cũng hay tự trách mỗi khi phát hiện ra mình bị đãng trí. Nhưng rồi ta cũng tự bào chữa bằng những lý do thật xứng đáng, để tiếp tục thả tâm rong ruổi đi tìm nơi trú ẩn nào mà nó thích.

Nhưng nếu ta nhìn chăm chú vào ánh nắng thi nắng ấm hơn, ta lắng lòng nghe tiếng chim hót thì tiếng chim sẽ hay hơn, ta hết lòng bưng tách trà uống thì trà sẽ thơm nồng hơn. Sự có mặt đích thực của than lẫn tâm sẽ giúp cho chính đối tượng kia có giá trị hơn và chính ta cũng sẽ được thừa hưởng nhiều hơn. Một sự thật rất sâu sắc đó là khi tâm an định, chập nhận có mặt 100% trong giây phút hiện tại, thì nó sẽ kết nối được với những năng lượng an lành có sẵn trong vũ trụ. Nó sẽ giúp  những năng lượng độc hại trong ta lắng dịu đồng thời  nâng dậy những phẩm chất quý giá trong chiều sâu tâm hồn. Đặc biệt, định lực sẽ giúp ta duy trì lâu bền khả năng quan sát những phiền não và nhận dạng nó môt cách chính xác, để bước tới quá trình chuyển hóa sự thật, mà bản thân  ý chí vốn chỉ có thể đàn áp tạm thời. Nghĩa là ta không thể xuyên thủng những phiền não thì ta sẽ không bao giờ nắm đươc hạnh phúc lâu bền.

NGHỆ THUẬT ĐỊNH TÂM

Để rèn luyện cho mình thói quen định tâm, điều kiện trước tiên là ta phải bớt bận rộn, phải cho mình một cơ hội lớn tìm về chính mình. Ta không thể ra lệnh cho tâm mình dừng lại và ép nó không được suy nghĩ, trong khi ta vẫn còn muốn nắm bắt nhiều thứ. Một không gian nhẹ nhàng và tĩnh lặng sẽ giúp ta dễ dàng thu tâm mình trở về để kết thành một mối với thân. Thân ở đâu thì tâm ở đó. Cũng như khi ta dung chiếc kính lúp đón nhận những tia nắng song song, thì nó sẽ hội tụ lại thành một điểm. Sau đó ta lấy nhúm rơm khô để phía dưới kính lúp, thì chùm ánh sang hội tụ sẽ đốt cháy nhúm rơm khô. Sự tập trung cao độ của tâm lý cũng có khả năng đốt cháy phần nào phiền não trong ta, làm cho ta trở nên nhẹ nhàng, trầm tĩnh và sáng suốt hơn. Kế tiếp, ta cần cố gắng tập luyện sống chậm hơn bình thường càng nhiều càng tốt. Nhưng cũng đưng quá chậm một cách mất tự nhiên. Mỗi khi mở vòi nước, đóng cánh cửa, hay đặt tách trà xuống, ta đều phải quan sát kĩ những đối tượng đó và ghi nhận rõ những gì xảy ra trong tâm ta suốt tiến trình ấy. Ta hãy cắt hành động của mình ra thành  từng phần nhỏ để thực nghiệm việc định tâm cho dễ dàng. Thí dụ khi bưng tách trà lên, ta có thể chia làm 3 giai đoạn để chú tâm: bưng lên, đưa tới và uống. Trong khi uống, ta cũng chia làm 3 giai đoạn để chú tâm: vừa uống, đang uống và uống xong.

Bất cứ nơi đâu hay làm việc gì ta cũng có thể áp dụng bài thực tập chia nhỏ từng hành động để quan sát, trừ khi đó là những việc có tính chất nguy hiểm hay quá khẩn thiết. Tập quan sát bước chân mình khi đi trong phòng cũng là cách để rèn khả năng định tâm. Chỉ cần thả lỏng hai tay theo chiều cơ thể, và bắt đầu chú ý vào bước chân đi trong 3 giai đoạn: nhấc chân lên, đưa tới, đặt chân xuống. Ta cũng có thể chia mỗi động tác như vậy thành 3 lần nhỏ hơn nữa, để sự chú ý của ta càng thêm mạnh mẽ: phần đầu – phần giữa – phần cuối của sự nhấc chân lên, phần đầu - phần giữa – phần cuối của việc đưa chân tới, phần đầu - phần giữa – phần cuối của việc đặt chân xuống. Nên nhớ ta chỉ dùng tâm để cảm nhận mà không nhìn xuống  bước chân mình. Bài tập  này tuy hơi khô khan, nhưng nếu kiên trì chừng nửa giờ, ta sẽ gặt hái kết quả rất bất ngờ. Bởi sự chậm rãi sẽ giúp tâm ta không dễ dàng thay đổi đối tượng, đủ thời gian để nhìn thấu đối tượng ấy và chính ta hơn.

HƠI THỞ MÀU NHIỆM

Những bậc tu thiền thành công từ nhiều thế hệ luôn xem hơi thở là sự lựa chọn hàng đầu để định tâm.Vì hơi thở không chỉ là một tiến trình sinh lý, mà nó còn là nhịp cầu nối với các tiến trình tâm lý nữa. Nghĩa là thông qua hơi thở mà ta có thể biết được những trạng thái biến đổi của tâm. Điều thú vị là ta có thể cảm nhận hơi thở một cách trực tiếp mà không cần đến sự can thiệp của tư tưởng, hay kinh nghiệm có sẵn. Nên nhớ hơi thở là một tiến trình tự nhiên, ta không dung ý chí can thiệp thì hơi thở vẫn vào ra theo nhịp độ riêng của nó. Do vậy, khi chọn hơi thở làm làm đối tượng chú tâm, ta vẫn tôn trọng tính tự nhiên của nó. Chỉ cần nhận thức và hiểu biết về nó, chứ không ép buộc nó phải như thế này hay thế kia. Trên thực tế ta cũng hat vấp váp trong khi thở, vẫn muốn áp đặt hơi thở theo ý mình, muốn nó dài hơn hoặc ngắn hơn, muốn nó êm dịu hay nhẹ nhàng. Đó là một thái độ sai lầm cần phải tránh. Ranh giới giữa hơi thở tự nhiên và hơi thở có nhồi nặn rất mong manh. Ta phải cẩn thận. Ta chỉ đơn thuần quan sát nó, đừng đọc lẩm bẩm trong tâm một câu nào đó để nhắc nhở hay tưởng tượng thêm gì khác.

Nhưng muốn quan sát được, trước tiên, ta phải nhận diện hơi thở của mình như thế nào đã. Ta nên chú tâm vào sự phình xẹp của bụng. Khi hơi thở đi vào, bụng sẽ tự động phình lên và khi hơi thở đi ra, bụng sẽ tự động xẹp xuống. Song, cách này chỉ phù hợp với một số ít người thôi, bởi nó sẽ làm cho ta dễ hồi hộp vì phải rượt đuổi theo hơi thở. Vả lại, cách theo dõi này sẽ không làm cho ta cảm nhận hơi thở một cách trực tiếp. Phương thức mà nhiều vị hành thiền thường sử dụng đó là chú tâm vào phần chop mũi, có thể là ngay vành trong của mũi hay ngay phía môi trên. Điều này còn tùy thuộc vào chiếc mũi của mỗi người. Đầu tiên, ta hãy hít vào một hơi cho thật sâu, rồi ghi nhận không khí bên ngoài đi vào.Nó sẽ chạm vào phần nào đó của chiếc mũi rõ rang nhất,và đó chính là điểm ta cần ghi nhớ để quan sát hơi thở trong những lần thực tập sau này, mà không phải để tâm chạy kiếm hơi thở lung tung. Đuổi theo hơi thở sẽ rất mệt mỏi mà cũng không bao giờ đuổi kịp vì hơi thở nó cứ trôi mãi.

Hãy tập quan sát mối liên hệ rất tinh tế giữa hơi thở, ý muốn điều khiển hơi thở, và cả thái độ muốn ngưng sự điều khiển nưa. Ban đầu sẽ hơi khó chịu. Nhưng dần dần ta sẽ cảm nhận được giá trị của hơi thở tự nhiên hoàn toàn khác biệt với hơi thở bị điều khiền, và ta sẽ học hỏi được rất nhiều về thái độ hay mong muốn của mình. Quan sát hơi thở một cách tinh vi như vậy,chỉ trong thời gian ngắn ta sẽ không còn muốn điều khiển nó nữa. Thời gian đầu, việc quan sát hơi thở sẽ làm ta rất dễ chán nản vì cảm thấy nó thật vô vị. Nhưng nếu kiên trì và thở đúng cách, từ từ ta sẽ thấy nó rất đa dạng và kì diệu vô cùng. Bởi sự thật không có hơi thở nào giống với hơi thở nào. Chúng biến hóa rất tinh xảo, mà với tâm hời hợt hay có thành kiến rằng nó vốn là như vậy, thì ta không thể nào thấy và thấu hiểu được. Cho nên quan sát hơi thở không chỉ là quan sát đường nét của nó, mà ta còn quan sát đến cả nội dung của nó. Nó là một bản nhạc hòa tấu giữa những trạng thái hổn hển rồi lắng dịu, sâu rồi cạn, gấp gáp rồi nhẹ nhàng.

Nhiều lúc ta có cảm giác không nhận ra được hơi thở của mình. Đừng quá lo lắng. Hãy chú tâm trở lại ngay điểm mà ta đã chọn, ở phần đầu chóp mũi hay sự phồng sẹp của bụng, bằng một hơi thở mạnh thì ta sẽ nắm bắt đươc ngay. Nên nhớ, ta đừng bao giờ tự trách móc tâm mình trong khi thiền tập. Điều đó chẳng ích lợi gì, vì nó chỉ là kết quả của quá trình sống trong lẵng quên của ta thôi. Chỉ cần nhắc nhở nó thường xuyên là được. Trong khi quan sát hơi thở, trong tâm ta sẽ hiện lên hình ảnh, âm thanh, nhận xét, lo lắng, tiếc nuối, buồn tủi, hoang mang… Khi ấy, ta có thể tạm thời rời hơi thở để chú tâm lên những đối tượng mới. Nếu thấy mình không có chút định lực nào thì hãy tạm thời “ngó lơ” những biến động bất chợt của tâm lý ấy, dành hết ưu tiên cho việc định tâm trên hơi thở thôi. Nhưng nếu ta sẵn sàng quan sát, thì chỉ nên quan sát từng hiện tượng tâm lí một, chứ đừng gom hết chúng lại.

Khi những đối tượng ấy phai mờ đi, ta lại đem tâm trở về với hơi thở. Hơi thở bấy giờ là đối tượng chính, là điểm tựa an toàn nhất của ta sau mỗi chuyến đi thăm những lĩnh vực khác, dù nó là những phản ứng ở trên thân hay trên tâm. Ta đừng nóng vội trong khi thực hành, đừng quá mong muốn giải quyết những phiền não. Nhưng với chút định lực tích góp từ hơi thở, mỗi chuyến quan sát những biến động mạnh như vậy, t alai có thêm một kinh nghiệm mới về bản chất vô thường và vô ngã của mọi sự vật và hiện tượng. Thái độ quan sát bằng tâm không mong cầu hay chống đối, thuần túy bằng cái tâm tìm hiểu và khám phá, sẽ cho ta nhiều cái thấy rất tuyệt vời về chính mình và cuộc sống, mà trước giờ với cái tâm đầy sáo động và đặc sệt phiền não khiến ta không tài nào biết được. Một điều cần lưu ý là những lúc ta kinh nghiệm được hơi thở của mình một cách sâu sắc, ta bỗng nghe trong tâm hình như có rất nhiều tiếng gào thét hay những mớ âm thanh hỗn loạn, ta thấy mình như đang chới với như chiếc xe đang lao đầu xuống vực thẳm mà ta không thể điều khiển được. Không có gì là lạ cả. Thực ra lúc nào cũng hỗn loạn, cũng đầy rẫy những cuộc xung đột, hay những khoảng trống chơi vơi như vậy, chỉ vì ta chưa bao giờ nhìn kĩ mà thôi. Chỉ cần duy trì bài thực tập của mình, mỉm cười quan sát những âm thanh lạ lùng ấy như sự trở lại của sự phiền não. Rồi ta sẽ vượt qua.

Chung quanh ta có biết bao người vẫn đang sống bằng sự may rủi của hoàn cảnh, vẫn không biết cái gì đang tàn phá bên trong. Nhìn họ có vẻ như không có vấn đề gì, nhưng thực chất là họ đang bị trói buộc và điều khiển. Còn ta, tuy phải đối diện với những phiền toái bên trong, nhưng ta đang trên con đường tháo gỡ nó. Nếu ta vẫn còn nhiều lí do mà không chịu dành thời gian và năng lực để tinh tiến luyện tập, cứ đợi đến khi phiền não bùng vỡ và gây ra bao tổn thất hay đau khổ nặng nề rồi mới loay hoay tìn kiếm thì quá muộn. Đến khát mới chịu đào giếng thì phải chết khát thôi. Nên nhớ mọi sự thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn đều phải cần đến một công trình, đừng nói chi tâm thức vốn rất phức tạp và đầy bí ẩn. Một điều cần nhớ là chính thái độ thực tập đúng đắn mới quyết định sự thành công, chứ không phải do sự nhiệt tình quá mức. Cho nên tham vọng trong thiền tập hay trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều dẫn tới thất bại.

Chỉ khi nào tâm yên định thì ta mới có thể quan sát lâu bền và thấu đáo mọi cấu trúc phiền não, để từ đó ta biết mình nên làm gì và không nên làm gì để chuyển hóa chúng. Và đến khi nào năng lực chú tâm và năng lực quan sát đã trở nên thuần thục thì hạt mầm trí tuệ mới bắt đầu hé nở. Ta mới bắt đầu nhìn thấy rõ thân phận mình và cuộc đời đúng như bản chất chân thật xưa nay của nó.
Bao năm còn trôi nổi
Không bến đỗ bình yên
Thuyền về neo bến cũ
Thấy đất trời an nhiên


10/6/11

Cưới gái ngoan - Yêu gái hư

Cưới gái ngoan

“Yêu gái hư” + “Cưới gái ngoan” – Nam Châm tháng 6/2011
(tâm sự của một giai ngoan lấy một gái ngoan)

Trước ngày tỏ tình, chúng tôi là bạn học cùng nhau lớp 12 ở THPT Hoàn Kiếm. Hồi đó, những buổi sáng đến lớp rét run, chia nhau gói xôi của bà bán xôi gần trường, hay những giờ tan học gần dịp nghỉ hè, chúng tôi chở nhau trên xe đạp từ phố Hai Bà Trưng lang thang ra cầu Long Biên, trốn học lên tận Hồ Tây, trở thành kỷ niệm rất đẹp.

Học đại học, bốn đứa chúng tôi học khác trường nhưng vẫn ở gần nhà nhau, nên trở lên thân thiết. Tôi yêu Th., vốn là bí thư cũ của lớp, còn thằng Minh yêu Trang. Trang ở Hàng Bạc nhưng lại lên nội trú ở với lý do ghét sự quản lý của ông bà bô. Chúng tôi rủ nhau cùng tỏ tình vào một ngày. Bốn người bạn thân cùng trở thành những người yêu nhau.

Sau phút “thắng lợi”, cả bốn đứa hẹn nhau ra cà phê, bốn chiếc xe đạp đã trở thành hai chiếc xe máy. Đi chơi xa, vui buồn giận hờn chúng tôi đều có nhau. Tôi không viết tên vợ tôi ra, bởi chúng tôi đã li hôn ngày hôm qua.

Th. là gái ngoan điển hình, tính cách trái ngược Trang. Chính vì ngoan hiền tử tế quá, vợ tôi đã kéo đời chúng tôi xuống vực.

Khi mới yêu nhau, mọi giận hờn, Th. đều lấy nước mắt ra để giải quyết. Tôi luôn nhường cho cô ấy đúng. Đi chơi xa, cô ấy luôn bé bỏng bên tôi. Để mặc tôi lo đưa đón, xem xét xe cộ, chuẩn bị cho chuyến đi an toàn, xử lý các mối quan hệ xã giao, thậm chí mệt mỏi không được kêu mệt, còn phải… bón cho cô ấy ăn từng thìa. Tôi hầu như không được nhận một sự chăm sóc thật sự nào từ Th., ngoài những nụ hôn tràn lan, những lời nói ngọt ngào nhưng… nói để đó, và một số các thứ quần áo không hợp gu, mà cô ấy nổi hứng mua về ép tôi mặc, coi đó là chăm sóc người yêu. Còn lại, thường xuyên những cú điện thoại Th. bảo là gọi quan tâm tới người yêu, thủ thỉ với tôi, nhưng thực ra lại là than vãn kể tội người khác, kêu ca những cái trục trặc nhỏ nhoi mà cô ấy không vừa ý. Trong khi không hề hỏi tới việc, tôi đối mặt với những vấn đề gì.

Trang yêu cậu Minh thì khác hẳn. Trang ghét gia đình, Trang ghét thị phi, nên cô ấy không tám chuyện hàng giờ về ai. Trang thích chinh phục, thích chủ động, nên cô ấy thường lại là người lựa chọn điểm đi chơi chung, chọn hành trình, quản lý cắt đặt công việc. Trang không thích dựa dẫm, cũng không phụ thuộc, nên yêu Minh cô vẫn giữ cá tính của mình. Khi tôi bị khách hàng quỵt tiền hàng của công ty (một khoản lớn), chính Trang cùng Minh là hai người đi lo nhờ người giúp tôi xử lý khoản nợ và khách hàng rắn mặt (mà cô ấy gọi đó là chiêu “bàn tay sắt bọc nhung”). Trong lúc ấy, người yêu tôi chỉ biết ngồi nhà, co rúm lại vì sợ hãi, và còn trách móc tôi tin người.

Chúng tôi đã suýt chia tay nhau, sau kỳ nghỉ chung ở biển.

Đêm ở nhà nghỉ trông ra biển, trở thành kỷ niệm sâu sắc nhất khiến tình yêu thăng hoa. Nhưng đó là đối với cặp Minh – Trang. Còn tôi, Th. đã không dám làm “gái hư” dù chỉ một lần. Cô ấy trong lúc giận dỗi, đã buột miệng gọi tôi là “thằng lợi dụng”.

Tôi không hề muốn lợi dụng hoàn cảnh để ép cô ấy chiều mình, nhưng thật sự tôi rất yêu, nên lời nói ấy càng làm tôi tổn thương.

Có rất nhiều cách để từ chối người yêu. Nhưng có những cách để yêu nhau hơn, tôn trọng nhau hơn, thì cũng có những cách khiến cả hai tổn thương tới mức, như tình yêu không còn sót lại chút nào. Tôi mang ghế ra cửa khách sạn ngồi hút thuốc suốt đêm. Nhiều cô gái đứng đường lang thang đi qua mời mọc, ngay cả tay lễ tân khách sạn cũng gợi ý trắng trợn. Nhưng tôi không kiếm gái. Vì để làm điều đó, tôi có thể ngủ với gái ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào. Tôi đâu cần đi xa tới thế, yêu lâu tới thế, thương yêu nhiều đến thế, bỏ tiền nhiều thế để thuê khách sạn đẹp nhất? Để có một kỷ niệm ê chề?

Lúc đó, chúng tôi cũng đã ra trường một năm, đi làm có tiền, có các mối quan hệ mới. Tôi thiếu gì những cơ hội mời mọc, những khách hàng xinh đẹp tới công ty tôi mua ô tô nhưng lại chưa có bằng lái xe và đang độc thân, hoặc những đồng nghiệp trẻ đang rất ăn ý trong công việc và hợp sở thích nhau?

Nếu nói tôi lợi dụng cô ấy, phải chăng Th. đã coi rẻ tất cả những gì tôi cố gắng trong tình yêu?
Sáng hôm sau, cặp đôi kia hạnh phúc bao nhiêu thì tôi ngại ngần ít nói bấy nhiêu. Dẫu sao mọi người cũng đoán được sự việc, bởi thân nhau mấy năm rồi, tính cách nhau thì còn lạ gì?

Minh có một tuần trăng mật kéo dài, say đắm từ hôm ấy cho tới sau ngày cưới. Tôi không có tuần trăng mật, tôi chỉ có đêm tân hôn. Sau đêm tân hôn là một cuộc sống khác, rất lạ lẫm.

Khi Minh – Trang cưới nhau, chúng cũng giục chúng tôi cưới cùng ngày, cả lớp 12 trường Hoàn Kiếm sẽ đến một thể, cả những đứa ở nước ngoài cũng đã xếp lịch nghỉ đông bay về Việt Nam dự cưới. Tôi ở trong trạng thái, cưới cũng được, không cưới cũng được. Vì tôi bắt đầu so sánh Th. với Trang.
Th. luôn đòi hỏi tôi chăm sóc, Trang không cần ai chăm sóc, ngược lại, cô ấy lại đoán được bạn trai đang nghĩ gì.

Th. không tự đi được xe máy, bởi không chịu tập đi xe máy, đã có tôi đưa đón. Trong khi Trang không bao giờ chịu làm cái ba lô đeo sau lưng người yêu, cô ấy chủ động mọi việc.

Th. không từng làm bất cứ việc nhà, bởi được mẹ chăm sóc, là quần áo, nấu cơm cho. Nên rời mẹ ra, cô ấy muốn tôi phải yêu và chăm cô ấy như… một người mẹ có râu. Còn Trang tự lập từ năm thứ nhất đại học, năm thứ hai cô ấy đã đi làm gia sư, kiếm tiền thêm, nên tự độc lập cả kinh tế lẫn cuộc sống.
Th. luôn ngồi sau xe, tôi đưa đi đâu thì biết đi đó, muốn về là níu tay tôi đòi về, như thể cô ấy là trung tâm của vũ trụ, là lẽ sống của tôi. Trong khi Trang đi nhiều nên biết lắm quán ngon, khi giận người yêu có thể một mình đi đó đây vui sướng, Trang coi người khác là một vũ trụ y như mình, đáng để khám phá.

Nhưng tôi không thể biến Th. thành khuôn mẫu người yêu của bạn. Tôi càng không thể bỏ người yêu để cướp người yêu của bạn. Bốn chúng tôi cưới vào cùng một ngày.

Sau cưới, trước khi đi nghỉ tuần trăng mật, Trang mua hai vé du lịch nước ngoài cho bố mẹ chồng. Thế là họ cùng lên đường, vợ chồng Trang đi Trung Quốc, Thẩm Quyến, Hồng Kông, còn bố mẹ chồng đi Thái Lan. Cả gia đình đều vui vẻ, tận hưởng cuộc sống riêng tư không áy náy về… người khác.
Còn ngay bữa cơm đầu tiên trong gia đình, mẹ tôi kinh hãi phát hiện ra, con dâu không phân biệt được mì chính với muối I-ốt là gì. Tưởng quả cam là… quả quýt bèn ra sức bóc lấy bóc để, sau khi phát hiện ra nhầm, đã giấu quả cam chảy nước xuống dưới… tấm chăn.

Th. ngoan, nên Th. là gái trinh trong đêm tân hôn. Nhưng khi bước vào cuộc sống mới, Th. không có bất cứ thứ gì để trang bị cho mình trong cuộc sống, ngoài màng trinh và tình yêu. Đổi lại, đỉnh điểm là tối đó, Th. ngồi trong bàn máy tính của tôi (máy tính ở phòng ngủ) và phát hiện ra một lô ảnh khỏa thân của các ngôi sao Play boy trong ấy. Trước đây, vợ tôi chỉ lục laptop của tôi, chứ ít khi về nhà tôi ở lại quá vài tiếng, đã bị bố mẹ gọi về vì lo đi lâu sinh chuyện. Bởi thế, chuyến khám phá tư gia của… chồng khiến nàng ôm gối khóc hết nước mắt và gọi điện về mách mẹ, như thể tôi đã phản bội, ngoại tình.

Nhưng đàn ông, ảnh sex thì đã sao? Nếu đẹp. Ngắm thì đã sao, đâu phải là yêu?

Th. còn nhiều sự cố khác để hủy hoại triệt để những ngày đầu sống chung. Vụng về, câu nệ, cố chấp, luôn giữ thế, không hài hước, dễ mau nước mắt. Cho nên sau một tuần, đến lúc đã xin được nghỉ phép để đi cùng vợ hưởng tuần trăng mật, như kế hoạch định trước, tôi đã chán và… kệ, không đi đâu nữa, lại tới công ty hẹn khách hàng đi ăn, đi thử xe.

Đổi lại là vô số nước mắt, của một cô vợ trẻ không biết xoay xở kiểu gì và cũng không biết cách thu xếp bất cứ thứ gì cho cuộc sống. Vào những lúc thất vọng nhất, hai vợ chồng tôi chỉ biết gọi cho vợ chồng bạn để than thở. Lúc thì vợ chồng nó đang đi ăn cuối tuần, bởi Trang luôn tìm ra một quán ngon, một chỗ ngồi thú vị hơn. Lúc thì vợ chồng nó đang cùng nhau làm bếp, Trang huấn luyện được chồng trở thành một anh chàng phụ bếp bị quyến rũ bởi đầu bếp sexy và tài năng. Trang vẫn nói, ở được với nhau thì ở, không thì chia tay ngay, rồi hãy yêu người khác. Cấm ngoại tình, cấm đánh vợ, cấm ngăn vợ đàn đúm. Vợ tôi thì chẳng cấm tôi cái gì, nhưng tôi không thấy sung sướng ở đâu. Có người bảo, hôn nhân tẻ nhạt ấy chẳng khác gì ăn bánh mì suông không nhân. Ăn xong không đói nhưng như thể chưa ăn gì.

Gái ngoan giống như bánh kem, ngon lắm đẹp lắm, nhưng để ăn được nó cũng phải có thủ tục nâng niu, nhẹ tay. Gái hư như cà phê, đắng lắm nhưng không bỏ bạn, không làm bạn thất vọng, cho dù bạn thất nghiệp diện quần bò mài thủng ngồi bệt ở vỉa hè rẻ tiền, hay comple với cà vạt sang ngồi trong quán Highland bàn phi vụ kinh doanh tiền tỷ.

Nên đừng trách đàn ông nếu họ thích uống cà phê và yêu gái hư.
 
Yêu gái hư Hò hẹn với gái hư là mong ước của tất thảy đàn ông trưởng thành. Cho dù họ không định yêu lâu, không định cưới gái hư, thậm chí, vẫn nung nấu ý định phải kiếm bằng được một cô gái trinh làm vợ.
Thế nhưng đàn ông vẫn không cưỡng lại được gái hư. Nhất là đàn ông tử tế.

Bởi gái hư không câu nệ và giả dối

Gái hư có thể sẵn sàng nói CÓ hoặc KHÔNG mà không cần lưỡng lự, bởi mọi quyết định của nàng xuất phát từ chính con người thật của nàng. Gái hư không sợ thị phi của ai, càng không sống theo cách mà bố mẹ ép con gái sống. Gái hư không chấp nhận những chiếc vòng kim cô người ta tròng lên đầu nàng, như là sự nô lệ cho trinh tiết (mà mọi người vẫn nhầm gọi đó là sự giữ gìn phẩm hạnh!); Như là khái niệm con gái phải thùy mị nết na dịu dàng (sao đàn ông không dịu dàng cho đàn bà nhờ?); Hoặc như sự ràng buộc phải ngồi yên ngoan ngoãn chờ một chàng hoàng tử đến cưới, và hưởng thụ những trò chơi tình ái do hoàng tử ấy chủ động quyết định. Gái hư thì khác, nàng muốn tự nàng quyết định luật của mọi cuộc chơi.

Gái hư có thể chơi với đàn ông như một người đàn ông sòng phẳng, và yêu đàn ông như một người phụ nữ đàng hoàng, không dây dưa trong tình yêu. Chỉ bởi, ai buộc được chân gái hư? Gái hư càng không dùng nước mắt để níu kéo cuộc tình, những nàng gái hư hiểu rằng, ở đâu cỏ cũng xanh, tội gì cứ quẩn quanh ở mảnh đất đàn ông này, và nàng khoái khám phá những khu vườn ngọn đồi khác, nàng được quyền Ra Đi cơ mà!

Trong tình yêu, kẻ nào ra đi mới là kẻ mạnh!

Lỗi của gái hư là yêu xong, nàng khiến đàn ông có cảm giác nhược thiểu. Vừa yêu vừa sợ cái bản chất nồng nhiệt của một người đàn bà từng trải và dám sống thật trong vóc dáng của một cô gái trẻ.

 Gái hư không bắt đàn ông phải làm… đàn ông mẫu mực

Gái hư không bắt đàn ông phải đưa đón đúng hẹn, một bó hoa vào mỗi tối thứ bảy, một cuộc gọi điện thoại tâm tình chúc ngủ ngon – đều như vắt chanh – vào mỗi mười giờ tối. Giời ạ, yêu như thế thì tẻ nhạt tầm thường như lấy số xếp hàng ở bệnh viện hoặc bấm thẻ báo công ở cổng công ty mà thôi.
Nàng có thể biến mất trong một tuần để phiêu lưu trong thú vui khám phá bí mật của nàng. Nên nàng cũng không hỏi lý do nếu chàng đột ngột mất tăm, và chỉ xuất hiện vào đúng lúc cả hai cùng lên cơn thèm yêu nhau.

Gái hư sợ ràng buộc và những biểu lộ bề ngoài, điểm này, đàn ông thích!

Gái hư không cần đàn ông có sự nghiệp, gái hư không bắt đàn ông phải kê khai các cuộc điện thoại lạ trong ngày, các tin nhắn bí mật. Gái hư thậm chí còn nhảy xổm vào giữa đám rượu bia của chàng bồ và giúp chàng chinh chiến sát phạt mọi chiến hữu của chàng, trong con mắt nể phục của cả đám giai ngoan đang (đành phải) để người yêu ở nhà làm gái ngoan.

Gái hư phóng xe phân khối lớn đưa chàng rũ ra vì say rời khỏi tiệc rượu.

Gái hư đâu có đòi đàn ông phải bảo bọc, che chở cho nàng. Đâu có ngồi khóc ti tỉ nếu người yêu lỡ say không đưa mình về nhà đúng giờ. Gái hư chỉ có hành động.

Nếu một ngày không yêu, gái hư cũng sẽ ra tay trước. Thường chia tay nhau rồi, đàn ông có thể vẫn là bạn thân với gái hư, chứ với gái ngoan, họ sẽ được khuyến mại vài tạ nước mắt, và vô số chửi rủa ném theo sau lưng, dù được nói thầm, lén lút.

Gái hư yêu bản thân, không chịu hy sinh vì đàn ông

Đàn ông có một thuộc tính lớn nhất, là tự yêu bản thân mình một cách ghê gớm. Và gái hư gần như một phản chiếu của đàn ông, nàng hiểu về mình, yêu mình, trân trọng mình, tự trọng bản thân cao, cao tới mức nó làm nàng vứt bỏ cả những danh hiệu vẻ vang xã hội áp đặt lên, hoặc những nghĩa vụ thiêng liêng người khác mong đợi nàng có, nếu chúng làm tổn thương đời nàng.

Vì thế, gái hư không bao giờ hy sinh vì đàn ông. Nếu chàng đến muộn, trong lúc đợi chàng đón, gái hư sẽ làm quen thêm một tá đàn ông các kiểu lỡ đi ngang qua chỗ nàng, gửi cái mắt liếc tình với một tá đàn ông đẹp trai quanh nàng, và phô vẻ đẹp cùng sự yêu đời của nàng cho tất thảy thế giới nhỏ nhoi quanh đó. Nàng không hy sinh giây phút sống trẻ trung đẹp đẽ để đợi một người đàn ông, dù đấy là người quan trọng nhường nào.

Vô hình trung, gái hư không khiến cho đàn ông cảm thấy tội lỗi, gánh nặng, áy náy, như áp lực mà lũ gái ngoan đang gây ra trên tình trường. Yêu gái hư không cần áp lực.
Và vì thế, đàn ông hạnh phúc.

Gái hư nhẫn tâm hơn, nên gái hư tuyệt vời hơn

Gái hư có thể lôi người yêu ra để thử nghiệm cảm xúc hoặc thu thập kinh nghiệm tình dục. Việc ấy dạy đàn ông trưởng thành và khiến tình yêu thăng hoa.

Gái hư không bao giờ tha thứ cho bất kỳ sai lầm nào của người yêu (Người ta vốn nghĩ, yêu nàng gái hư đã là sai lầm lớn nhất của đàn ông rồi cơ mà!). Thế nhưng, nếu gái hư chấp nhận yêu tiếp, chấp nhận bỏ qua, tức là bởi nàng bỏ qua, nàng sẽ “không tính” cũng như “không tính sổ” lỗi ấy, và đàn ông sẽ trắng án y như chưa từng mắc lỗi. Gái hư nói là làm, không làm tổn thương ai càng không cho ai quyền làm tổn thương mình.

Không giống như vô số gái ngoan, níu lấy danh hiệu gái ngoan, song mỗi sai lầm của người yêu, gái ngoan sẽ đau khổ nghĩ mình bị thiệt thòi và chịu tổn thương một phía. Rồi cuối cùng họ sẽ tha thứ, chịu đựng, chứ họ không hề bỏ qua lỗi. Và họ sẽ ca cẩm, nhai đi nhai lại cái lỗi lầm ấy, làm đàn ông phát điên trong tình yêu.

Kiểu gì, đàn ông cũng sẽ nhẹ nhõm hơn nếu hò hẹn với một nàng gái hư.

Gái hư là cuộc đi săn bất tận

Tỏ tình với gái ngoan, nếu họ gật đầu, coi như đàn ông từ đó có thêm một cái ba lô đeo sau lưng, trong ba lô ấy đựng cái chiến lợi phẩm tình yêu. Mà đàn ông chỉ một lần giương súng bắn hạ, cái tình yêu ấy đã ngoan ngoãn và dai dẳng đi theo chàng, như thể một con mồi đã… chết!

Nhiều đàn ông hết yêu rồi vẫn phải đèo bòng, không thoát ra khỏi cô người yêu bé bỏng ngoan ngoãn được, và chết đuối trong nước mắt nàng.

Gái hư cho đàn ông cảm giác một cuộc săn lùng bất tận và lạc thú bất tận. Yêu được gái hư như thể thợ săn bắn hạ một con thú còn sống, và cái chiến lợi phẩm “tình yêu của gái hư” ấy luôn chực nhảy ra khỏi vòng tay chủ nhân. Khiến đàn ông vất vả giữ lấy, theo đuổi, chiến đấu với những thợ săn khác đang dòm ngó, và chiến đấu cả với gái hư. Khi nàng tưởng như đang yên ổn yêu mình, nhưng tình thực, trái tim và cả cơ thể nàng dường như luôn chờ nhảy nhót ra chốn tự do.

Đàn ông thích săn được một con mồi chết, hay một mồi luôn sống thách thức?

Gái không hư từ bản chất. Gái thường hư từ trải nghiệm.

Nên bảo sao, đàn ông mê đắm nhất với gái hư, lại thường yêu phải những cô nàng hơn tuổi, tục gọi là… đàn bà?

Trang Hạ

5/6/11

Tha thứ

(Minh Niệm) - Tha thứ luôn là linh dược có thể chữa trị mọi nỗi khổ niềm đau cho kẻ được tha thứ và cả người tha thứ.

Chất liệu ân tình

Trong nguyên tắc thương yêu đòi hỏi một bên phải có khả năng thương yêu và một bên phải thật sự đáng yêu. Nhưng nếu bên kia đánh mất tính đáng yêu, tức là họ đã tự rút lui khỏi mong muốn được thương yêu, thì đương nhiên không thể đòi hỏi mức thương yêu của bên này phải cố định. Tuy nhiên lỗi không hoàn toàn thuộc về bên kia. Nếu tình thương bên này đủ chân thành, mạnh mẽ và toả sáng thì chắc chắn sẽ dìu dắt và nâng đỡ được đối tượng thương yêu của mình cùng bay lên một lượt. Cho nên khi cả hai cố gắng bồi đắp, một bên cố gắng vươn lên và một bên hết lòng nâng đỡ thì tình cảm ấy sẽ không bao giờ gãy đổ.

Ta biết rằng khuyết điểm lớn nhất của nền văn minh hiện đại là làm cho con người quá bận rộn, không còn thời gian để nghỉ ngơi những giá trị mầu nhiệm chung quanh, thì đừng nói chi đủ sức để nhìn lại mình và chuyển hoá những năng lượng tiêu cực. Lúc nào ta cũng căng thẳng, mệt mỏi và đầy lo lắng cho tương lai. Một khi năng lượng suy yếu thì ta rất khó làm chủ được suy nghĩ hay hành động của mình. Một lời nói không dễ thương hay cử chỉ vô tình làm nát lòng người khác là điều rất dễ xảy ra. Nếu chẳng may lúc ấy gặp phải những nghịch cảnh lớn lao khiến năng lượng suy giảm tới mức cạn kiệt, thì những phiền não trong ta sẽ bùng phát như một loại bản năng chưa được thuần hoá. Tham lam, sân hận, si mê là những năng lượng luôn chực sẵn trong tâm thức một khi ta mất khả năng quan sát, nuôi dưỡng lý trí và đánh mất liên hệ với sự sống. Lỗi lầm thường từ ấy phát sinh.

Dĩ nhiên không phải ai sống trong môi trường có quá nhiều năng lượng xấu thì cũng trở thành người xấu. Điều đó tùy thuộc vào sự thông minh và bản lĩnh của mỗi người. Nhưng ta cũng đừng quên câu tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Một đứa bé lớn lên trong hoàn cảnh nghèo túng, gia đình ly tán, chưa bao giờ được đến trường, phải thường xuyên sinh hoạt với đám người lỗ mãng để nương tựa và tìm kế sinh nhai, thì khó mong đứa bé ấy ngoan hiền hay thành thật. Một đứa bé khác lớn lên trong những điều kiện vật chất đầy đủ, nhưng cha mẹ bận lo làm giàu nên không có thời gian để gần gũi và thấu hiểu em, thậm chí họ thường hay cãi vã và bày đặt điều gian trá trước mắt em, rồi bù đắp trách nhiệm dạy dỗ bằng cách đẩy em vào những ngôi trường danh tiếng hay chiều chuộng theo mọi đua đòi của em, thì rất khó để em ý thức tinh thần trách nhiệm hay có thái độ nhường nhịn và tôn trọng mọi người.

Khi hay tin một em học sinh nam đã mang dao vào trường hăm doạ giết thầy cô giáo, hay một học sinh nữ đã đánh bạn mình thê thảm rồi còn quay phim tung lên mạng thì ai mà không tức giận. Ta cho đó là một hành vi vô đạo đức. Ta muốn những học sinh ấy phải bị trừng phạt đích đáng. Nhưng nếu ta đổ hết trách nhiệm lên vai em thì làm sao em gánh nổi. Em sẽ gục ngã và mất hết tương lai, rồi ta cũng sẽ mất dần những đứa em tiếp nối ta đi về tương lai. Em là đứa trẻ dại khờ, luôn muốn trưởng thành nhanh chóng nhưng vì tâm lý chưa chuẩn bị nên đã bị sa ngã. Đúng ra gia đình và nhà trường phải là môi trường lý tưởng nhất để giúp em hiểu được mình và nuôi dưỡng lý tưởng sống. Nhưng cha mẹ chỉ ao ước con mình ăn học thành tài, nhà trường chỉ mong học sinh có học lực xuất sắc chứ đâu có kỳ vọng hay đầu tư vào phần đạo đức ở các em. Biết là vấn đề giáo dục không thể thành công chỉ nhờ vào nỗ lực cá nhân, nhưng hai môi trường được coi là nhiều dưỡng chất nhất cho mộ đứa trẻ vững chãi vào đời mà cũng quay lưng với trách nhiệm thì ai sẽ giúp những đứa em ấy trở về với xã hội, với chính em đây? Ta hy vọng vào các trại cải tạo ư? Sự trừng phạt là giải pháp thấp kém nhất trong công tác giáo dục. Bởi thực tế chỉ có rất ít đủ nghị lực quay về, số còn lãi mất hết niềm tin vào cuộc sống nên sẵn sàng buông xuôi và lún sâu vào vũng lầy cũ.

Cho nên, trước khi trách giận những đứa em dại khờ ấy, ta hãy tự hỏi mình đã làm gì giúp các em chưa, hay ta nghĩ đó không phải là trách nhiệm của mình nên vẫn đứng bên lề để mặc tình lên án, buộc tội và xa lánh. Người lớn chúng ta cũng vẫn còn mắc phải rất nhiều vụng về, lầm lỡ kia mà. Dù người khác chưa hay biết và phanh phui, nhưng ta không thể tự cho mình là trong sạch mà tuỳ tiện dán nhãn hiệu xấu xa lên đầu kẻ vừa phạm lỗi. Trong kinh Phúc Âm, chúa Jesus đã từng cảnh báo: “Ai thấy mình không có tội thì cứ ném đá vào người đàn bà này trước”. Hãy cho người kia một cơ hội để chuyển hoá. Vì như vậy cũng chính là ta đã tạo cho mình một lối thoát trong tương lai. Đời sống còn chìm trong vô tâm thì không thể tránh khỏi những hành vi không tự chủ. Ta cần tha thứ và giúp nhau vượt qua gian khó, chứ không phải ngồi đó đòi hỏi người khác phải luôn hoàn hảo cho mình.

Làm sao để tha thứ?

Giả sử khó khăn của người kia khoảng một gang mà dung lượng trái tim ta có sẵn một gang rưỡi thì có như họ được chứa đựng. Nhưng nếu sự khó khăn của người kia lên tới một gang rưỡi hoặc hai gang thì bắt buộc ta phải cố gắng nới rộng trái tim mình lớn hơn mức khó khăn đó. Lỡ như ta đã cố gắng hết sức rồi mà trái tim cũng chỉ giãn nở tới mức ngang bằng hoặc dưới mức khó khăn của người kia, thì sự nâng đỡ sẽ bất thành. Nhưng người kia vẫn cảm nhận và ghi khắc sâu đậm ân tình của ta. Bởi không có thứ tình thương nào cao đẹp hơn khi nó được làm ra từ sự buông bỏ bớt những nhu cầu hưởng thụ căn bản nhất của bản thân, và còn phải vượt qua những áp lực của hoàn cảnh xung quanh, để giúp cho đối tượng thương yêu của mình bừng tỉnh và đi tới. Ân tình ấy chỉ đến từ sự chân thành và tự nguyện, chứ không có trong giao kết hay mong đợi của đối phương. Mà tha thứ chính là đỉnh cao của ân tình.

Nếu bình tĩnh và biết quan sát thì bao giờ ta cũng nhận thấy kẻ gây ra lỗi lầm chính là nạn nhân đáng tội nghiệp nhất. Họ có thể làm cho ta đau vì đã lỡ gây tổn thương nhưng chính họ mới khổ nhiều nhất, vì năng lượng sân hận và những bế tắc tâm lý đang bủa vây và hành hạ họ trong từng giây từng phút. Họ càng tỏ ra cứng đầu, không biết lỗi thì lại càng đáng thương hơn, bởi không biết bao giờ họ mới tỉnh ra để có thể thiết lập lại đời sống yên bình và hạnh phúc. Vừa đánh mất niềm tin vào chính mình, vừa sợ những người thân yêu bỏ mặc, vừa không biết cách giải quyết những đổ vỡ do chính mình gây ra và tương lai sẽ đi về đâu, nên họ rất hoang mang và cần giúp đỡ. Họ biết họ không có tư cách để đòi hỏi, vì ta đã từng thương yêu họ hết lòng. Nên họ chỉ còn biết trông mong vào ân tình – món quà tình cảm không suy tính, không dựa vào sự công bằng, không cần đáp trả từ nơi trái tim của người độ lượng.

Khi ta đã ý thức được đây là một kẻ đáng thương hơn đáng trách thì ta không còn đẩy khó khăn ấy ra nữa. Chính xác là ta đã chấp nhận phần không dễ thương ấy như ta đã từng đón nhận những phần dễ thương của họ. Vấn đề còn lại là làm sao ta có thể chứa đựng được nỗi khổ niềm đau ấy một cách dễ dàng khi trái tim ta vẫn chưa đủ lớn? Ta rất muốn tha thứ nhưng vẫn không tha thứ được, lòng cứ quặn đau khi nghĩ đến sự hư hỏng hay phản bội của họ. Nếu ta nghĩ tha thứ là một việc dễ làm, chỉ cần cố gắng một chút là được thì ta đã lầm. Bởi nếu ta từng bám chặt vào những nguyên tắc cứng nhắc, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo từ người khác, kẹt vào cảm xúc được tôn kính, thấy mình đã cống hiến nhiều hơn, chưa có thói quen hứng chịu thiệt thòi hay hết lòng vì người khác thì trái tim của ta sẽ rất khó nới rộng ra thêm. Phải thu dọn bớt những nhu cầu thỏa mãn sự ích kỷ thì nó mới có chỗ để chứa đựng người khác. Nên càng vị kỉ thì càng không thể vị tha. Bởi vị kỉ chính là trở lực của vị tha.

Trong truyền thống nhà thiền có hai cách để giáo huấn học trò. Đó là uyân. Uy tức là uy lực, là năng lực tỏa chiếu từ lối hành xử trang nghiêm và giữ gìn khuôn  phép, chứ  không phải do mình la hét vào mặt người khác mà minh có uy. Còn ân chính là ân tình, là sự tận tình giúp đỡ khi người kia yếu kém hay tấm lòng bao dung đọ lương khi họ mắc phải lỗi lầm , chứ không phải do mình thương yêu đến mức vướng lụy mà có ân tình. Nhưng suy cho cùng cái uy cũng chính là cái ân, vì cái uy kia giúp mình luôn tỉnh thức và cố gắng tiến bộ nên mình rất biết ơn. Và cái ân cũng chính là cái uy vì cái ân kia giúp mình một cách hểt lòng, không điều kiện nên mình luôn thầm nể phục. Cũng như hiểu biểt và thương yêu, cái uy và ân không bao giờ tách rời nhau , dù có lúc một trong hai cái đươc thể hiện nhiều hơn.

Song mỗi khi dùng tới uy hay ân, ta phải rất cẩn thận . Bởi đôi khi ta nghĩ rằng mình làm như vậy mình mới thức tỉnh, mới sợ mà không  dám tái phạm , mà kì thực là ta đang tức giận và muốn trừng phạt. Hoặc đôi khi thấy người kia quá đáng thuương , cần được chở che hơn là khiển trách, nhưng sự thật là ta đang sợ người ấy ghét bỏ hay không quí mêdn mình nữa. Trong khi người kia đang mắc nạn và cân sự cứu giúp mà ta còn đặt quyền lợi của mình vào thì sự tha thứ ấy không còn chân thật nữa. Dù ta biết lầm nỗi này quá lớn, trong nhất thời không thể nào coi như  nó chưa từng xảy ra, nên ta cố nuốt nước mắt vào trong để cố gắng chấp nhận mà giúp người kia một con đường, nhưng tâm can vẫn còn đau nhức lắm . Ta biết  mình phải cần có thêm thời gian đẻ học cách chuyển hoá, hoặc đành thú thực cho  họ biết trái tim ta chỉ mở rộng tới mức đó thôi. Nhưng đó cũng là ân tình, là sự tha thứ đích thực rồi.

Tuy ta không phải là  bậc thần thánh để sẵn sàng tha thứ hết mọi lỗi lầm của con người, nhưng nếu trái tim ta còn sức chứa thì đừng suy tính  gì thêm nữa, hãy cho nhau đi. Tha thứ luôn là linh dược có thể chữa trị mọi nỗi khổ niền đau cho kẻ đươc tha thứ và cả người tha thứ. Thà tha lầm còn hơn chấp lỡ. Lỡ khi nhận ra chính thái độ cố của ta đã đẩy người kia rớt xuống tận cùng vực thẳm thì ta sẽ ăn năn hối hận suốt đời; còn khi phát hiện ra quyết định tha thứ của ta đã không mang lại hiệu quả thì ta vẫn còn cơ hội để cứu chuộc, bởi trái tim ta đang trong chiều hướng giãn nở ra và ngày thêm mạnh mẽ. Điều đáng sợ nhất trong quá trình yêu thương là ta đã để cho trái tim mình co rút lại, yếu đuối, không còn chất liệu linh thiêng  để sẵn sàng rung cảm trước những tiếng kêu thương của cuộc đời. Nhạc sĩ Trinh Công Sơn đã từng tin tưởng tuyệt đối vào sự chuyển hoá kỳ diệu nơi trái tim con nguười: “Trái tim cho ta nơi về nương náu. Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều” (Hãy yêu nhau đi).

Xin có mặt cho người
Bằng tất cả trong tôi
Phút giây này tỉnh thức
Với ân tình chưa vơi